Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ info@tintuckhanhhoa.com, cảm ơn !

Thúc đẩy phát triển kinh tế số

Thứ năm - 29/07/2021 13:57
Thời gian tới, UBND tỉnh Khánh Hòa sẽ đẩy mạnh phát triển trong trạng thái "bình thường mới" bằng cách thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng công nghệ, hướng tới chính quyền số phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Thúc đẩy phát triển kinh tế số

Thời gian tới, UBND tỉnh Khánh Hòa sẽ đẩy mạnh phát triển trong trạng thái “bình thường mới” bằng cách thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng công nghệ, hướng tới chính quyền số phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.


Thành quả bước đầu


Những năm qua, việc chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh đã bước đầu đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh. Các cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong công tác chỉ đạo, điều hành. Trung tâm dữ liệu và mạng diện rộng của tỉnh được đầu tư, nâng cấp. Các hệ thống dùng chung của tỉnh như: Thư điện tử công vụ, quản lý văn bản, trung tâm dịch vụ hành chính công trực tuyến, hệ thống quản lý cán bộ - công chức - viên chức, hệ thống ứng dụng thông tin địa lý vào quản lý hạ tầng kinh tế - xã hội tỉnh… được triển khai đồng bộ, ổn định, thông suốt, liên thông 3 cấp hành chính từ tỉnh đến xã và kết nối với Trung ương.

 

Đồng chí Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: Để đẩy mạnh phát triển trong trạng thái “bình thường mới”, thời gian tới, tỉnh sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế số với trọng tâm là phát triển doanh nghiệp công nghệ số, nội dung số, công nghiệp sáng tạo, thương mại điện tử và sản xuất thông minh. Cụ thể, tỉnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy giao dịch điện tử trong cung cấp dịch vụ công ích, nhất là triển khai nền tảng thanh toán trực tuyến phục vụ người dân. Đồng thời, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp khởi nghiệp ứng dụng công nghệ số để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới trong các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội.

Một góc Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh với không gian xanh, mật độ xây dựng thấp.


Mới đây, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Cơ quan Hợp tác phát triển quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Đại học Indiana (Hoa Kỳ) tổ chức trực tuyến Đối thoại phát triển địa phương năm 2021 với chủ đề “Thực thi mục tiêu nhiệm kỳ trong trạng thái bình thường mới”. Theo báo cáo của UBND tỉnh tại buổi đối thoại, đến nay, 100% cơ quan địa phương từ cấp tỉnh đến cấp xã được đầu tư trang thiết bị CNTT, lắp đặt hệ thống mạng LAN, kết nối Internet tốc độ cao; 28/28 cơ quan kết nối mạng diện rộng của tỉnh; 100% cơ quan hành chính nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã triển khai phần mềm một cửa điện tử, phục vụ tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Toàn tỉnh đã tích hợp và công khai 1.828 TTHC với 2.096 quy trình thực hiện, trong đó có 331 TTHC mức độ 3 và 300 TTHC mức độ 4, 351 TTHC cho phép thanh toán trực tuyến. Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến mức độ 3, 4 trung bình đạt trên 50%. Tỷ lệ văn bản đi, đến được chuyển trên môi trường mạng (hoàn toàn điện tử và vừa điện tử vừa giấy) đạt 98%.


Năm 2020, chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT và truyền thông của tỉnh còn ở mức khá, xếp hạng 18/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó chỉ số hạ tầng kỹ thuật xếp hạng 19/63, chỉ số ứng dụng CNTT xếp hạng 13/63. Bên cạnh đó, công nghệ số đang được ứng dụng trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp, y tế, giáo dục và đào tạo; dịch vụ xuất hiện nhiều hình thức kinh doanh, dịch vụ mới dựa trên nền tảng công nghệ số và Internet, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của người dân, bước đầu hình thành các tiền đề quan trọng của kinh tế số và xã hội số.


Thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững

 

Ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: Để đẩy mạnh phát triển trong trạng thái “bình thường mới”, thời gian tới, tỉnh sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế số với trọng tâm là phát triển doanh nghiệp công nghệ số, nội dung số, công nghiệp sáng tạo, thương mại điện tử và sản xuất thông minh. Cụ thể, tỉnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy giao dịch điện tử trong cung cấp dịch vụ công ích, nhất là triển khai nền tảng thanh toán trực tuyến phục vụ người dân. Đồng thời, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp khởi nghiệp ứng dụng công nghệ số để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới trong các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội.

Theo UBND tỉnh, khi dịch Covid-19 xảy ra, Khánh Hòa bị ảnh hưởng nặng nề không chỉ ngành du lịch, thương mại, lao động việc làm mà còn tác động đến các ngành, lĩnh vực như công nghiệp, nông nghiệp, thu ngân sách, đời sống nhân dân và tăng trưởng kinh tế. Nhằm phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2021 và tạo tiền đề cho các năm sau trong trạng thái “bình thường mới”, thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung ưu tiên cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, thực hiện nghiêm túc các giải pháp đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, tiếp tục tuân thủ quy định 5K + vắc xin; kích hoạt các kịch bản phòng, chống dịch, thần tốc truy vết, khoanh vùng, xét nghiệm, cách ly, dập dịch liên quan đến các ca dương tính.


Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tập trung thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện và phát triển kinh tế số. Cụ thể, sẽ đẩy mạnh triển khai thực hiện nghị quyết, chương trình, kế hoạch, dự án phát triển chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội. Tỉnh đặt mục tiêu triển khai cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 vào năm 2025 trên thiết bị thông minh để phục vụ người dân và doanh nghiệp giao dịch với cơ quan hành chính nhà nước.


Đặc biệt, tỉnh sẽ chú trọng thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Cụ thể, sẽ tăng cường công tác chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; tập trung phát triển nguồn lực đánh bắt xa bờ, hạn chế tàu đánh bắt ven bờ, nuôi trồng thủy sản theo chuẩn VietGAP. Đối với sản xuất công nghiệp, sẽ đẩy mạnh công nghiệp sạch, công nghiệp hỗ trợ, xây dựng nền “công nghiệp xanh”. Đồng thời, tích hợp Quy hoạch phát triển công nghiệp vào quy hoạch chung của tỉnh để phân bố không gian công nghiệp hợp lý, phát huy sức mạnh liên kết giữa các vùng, thu hút các dự án lớn… Về du lịch, tùy tình hình khống chế dịch bệnh sẽ nới lỏng một số hoạt động kinh doanh, dịch vụ, kích cầu gắn với kiểm soát chặt chẽ, hướng tới xây dựng hình ảnh “Khánh Hòa - điểm đến an toàn”.  


VĂN KỲ

 

Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp