Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ info@tintuckhanhhoa.com, cảm ơn !

Hương trầm ở xứ Trầm hương

Thứ ba - 17/01/2023 13:04
Trầm hương được xem như linh khí của trời đất. Loại gỗ thơm quý giá này đã đưa Khánh Hòa trở thành đệ nhất xứ Trầm. Theo thời gian, những sản phẩm từ trầm hương ngày càng phong phú, vừa có tính nghệ thuật, vừa mang tính phong thủy, tâm linh; dành cho cả dân chơi trầm giàu có lẫn bình dân. Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Hương trầm ở xứ Trầm hương

Trầm hương được xem như linh khí của trời đất. Loại gỗ thơm quý giá này đã đưa Khánh Hòa trở thành đệ nhất xứ Trầm. Theo thời gian, những sản phẩm từ trầm hương ngày càng phong phú, vừa có tính nghệ thuật, vừa mang tính phong thủy, tâm linh; dành cho cả dân chơi trầm giàu có lẫn bình dân.

 
Người lưu giữ những khối trầm tự nhiên


Ghé tư gia của ông Biện Quốc Dũng - Chủ tịch Hội Trầm hương Khánh Hòa (ở thị xã Ninh Hòa) vào một ngày cuối năm, tiết trời se lạnh khiến không gian như sánh lại bởi mùi hương thanh ngọt của trầm. Ở Khánh Hòa, nói đến sưu tầm, chơi trầm tự nhiên, dân trong giới không mấy người qua được ông Dũng. Trong thoang thoảng hương trầm, rót ly rượu hắc kỳ nam đãi khách, ông Dũng nhớ lại một thời “ngậm ngải tìm trầm”. Qua những chuyến phiêu bạt, dấu chân ông đã in khắp các cánh rừng Vạn Ninh, Ninh Hòa, Khánh Vĩnh, Khánh Sơn; ra tận Quảng Nam, ngược lên Kon Tum rồi sang tận xứ Lào. Cứ thế, niềm đam mê với trầm hương đã gắn bó với ông 40 năm nay, càng gắn bó, ông càng am tường hơn với sản vật được coi là linh khí của đất trời này.

 

Ông Biện Quốc Dũng và khối trầm tự nhiên  được ông sưu tập.

Ông Biện Quốc Dũng và khối trầm tự nhiên được ông sưu tập.


Ông Dũng có bộ sưu tập trầm cảnh tự nhiên, được dân chơi trầm trong, ngoài tỉnh ngưỡng mộ. Ngay khi cửa phòng trưng bày mở ra, hương trầm thanh dịu lan tỏa khiến chúng tôi cảm thấy sảng khoái vô cùng. Trước mắt chúng tôi là một cây trầm tự nhiên thuộc hàng đại thụ. Ông Dũng cho hay, cây trầm này có tuổi đời cả trăm năm, nặng hơn 250kg, cao 3,85m; toàn bộ là trầm kiến; được mua lại từ một phu tìm trầm trong tỉnh. Phải tốn rất nhiều thời gian và rất nhiều tiền ông mới thuyết phục được chủ cây trầm nhượng lại cho mình. Đưa được cây trầm về nhà nào đã xong, ông phải trằn trọc nhiều đêm mới phác thảo được ý tưởng cho tác phẩm nghệ thuật từ cây trầm khủng này, rồi mời những nghệ nhân có tên tuổi trong làng chế tác trầm hương về gọt giũa từng chút một. Mất mấy tháng trời, ông mới có được tác phẩm đại thụ 3 nhánh biểu trưng phúc - lộc - thọ, được ông trưng bày ở nơi bắt mắt nhất trong bộ sưu tập của mình. Hỏi ông Dũng về giá trị của cây trầm này, ông bảo “với người chơi trầm thì là vô giá”.

 

Một tác phẩm phầm cảnh mi ni có giá trị rất cao.

Một tác phẩm phầm cảnh mi ni có giá trị rất cao.


Trong bộ sưu tập trầm hương tự nhiên của ông Biện Quốc Dũng còn có hàng chục tác phẩm trầm cảnh khác, như: “Tháp Trầm Hương” do chính tay ông tỉ mẩn từng chút tạo nên mang dáng vẻ của Tháp Trầm Hương (TP. Nha Trang); “Cá chép vượt vũ môn” nặng khoảng 1kg gợi liên tưởng cá chép hóa rồng; “Non nước xứ Trầm” nặng chừng 3kg, với núi non trùng điệp, có suối róc rách, có gió mênh mang… cùng nhiều tác phẩm khác nữa, nhưng nhiều nhất là những khối trầm kiểu bon sai, có dáng hòn non bộ. Mỗi tác phẩm trầm cảnh được làm nên bởi các chất liệu trầm hương tự nhiên nguyên khối khác nhau, tùy theo chất loại trầm, kích thước khác nhau mà giá trị khác nhau.

 

 Khách Ả Rập tìm hiểu và mua trầm Vạn Thắng.

Khách Ả Rập tìm hiểu và mua trầm Vạn Thắng.


Những ai có thâm niên trong nghề đều hiểu để có được khối trầm tự nhiên là vô cùng khó khăn. Còn nhớ trong những lần trò chuyện với dân đi địu (người đi tìm trầm), nhiều người cho rằng, trầm hương là sự hóa thân của Thánh mẫu Thiên Y A Na. Do đó, ai gặp được trầm hương, nhất là kỳ nam chính là cái duyên. Có người đi cả năm trời nhưng không kiếm nổi một mẩu trầm hương. Đã là dân đi địu thì tâm phải tịnh, trước khi vào rừng phải thanh sạch nên có nhiều điều cấm kỵ tuy rất huyền hoặc nhưng dân đi địu ai cũng phải tuân theo. Trong dân gian có những câu chuyện kì bí và thần diệu của trầm. Thậm chí, ngay cả câu chuyện “ngậm ngải tìm trầm” cũng có những dị bản khác nhau, nhưng đều nhuốm màu huyền thoại và tâm linh.


Để hương trầm bay xa


Về làng trầm Phú Hội 1 (xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh), từ đầu làng đã có thể cảm nhận mùi hương thơm nhẹ nhàng, len lỏi trong không gian của từng con ngõ. Ở đâu cũng bắt gặp cảnh đục đẽo, chạm khắc, soi cây dó bầu để tạo ra những tác phẩm độc đáo. Giáo sĩ Ðắc Lộ (Alexandre Rhodes) - người đã chỉnh đốn chữ Quốc ngữ - từng nhận định rằng “Chỉ Việt Nam mới có kỳ nam”. Kỳ cũng như trầm ở Việt Nam tốt nhất là kỳ trầm của Khánh Hòa. Điều này đã được công nhận trong “Ðại Nam nhất thống chí” của Cao Xuân Dục và sách “Phủ biên tạp lục” của Lê Quý Ðôn. Có điều thú vị, ở Khánh Hòa, nơi nào có rừng già là nơi đó có trầm kỳ, nhưng nhiều nhất là Ninh Hòa và Vạn Ninh. Chẳng thế mà ca dao Khánh Hòa có câu: “Cây quế Thiên Thai mọc ngoài khe đá/Trầm nơi Vạn Giã hương tỏa sơn lâm”.


Dân đi địu của làng trầm chia sẻ, so với 10 năm về trước, thú thưởng trầm nay đã khác xa rất nhiều. Dân chơi trầm hương bây giờ có nhiều phong cách khác nhau. Người thì thích chơi tượng trầm, người lại thích sưu tầm những món đồ liên quan đến trầm xưa, như thẻ bài, vòng đeo tay, mặt dây chuyền, những kiệt tác mỹ thuật cung đình. Có người lại chỉ thích sưu tầm những khối trầm kiểu bon sai, những khối trầm có dáng hòn non bộ. Không chỉ thế, trầm hương bây giờ còn được chiết xuất để làm ra các sản phẩm nước hoa, được chế biến thành rượu trầm với hương vị độc đáo…


Ông Trần Công Đức - Giám đốc Hợp tác xã Trầm hương Vạn Thắng chia sẻ: “Trầm hương bây giờ không chỉ có trầm cảnh hay đồ mỹ nghệ. Trong làng giờ đã biến trầm thành nhiều mặt hàng để phục vụ thị trường. Người chơi trầm mỹ nghệ quan niệm, chơi để thể hiện đẳng cấp, để chiêu tài, dẫn lộc, tiêu độc, trừ khí. Nếu trước kia người giàu có mới có thể dùng trầm, nay người có tiền ít vẫn có thể mua những sản phẩm từ trầm hương. Giá các loại sản phẩm này khá phong phú. Người ít tiền dùng hương trầm, vòng trầm giá vài trăm đến vài triệu đồng. Người nhiều tiền mua trầm khối, trầm tượng, trầm cảnh cả tỷ đồng”.


Chỉ tay về những lọ nước hoa mẫu, ông Đức tiết lộ đây là sản phẩm mới để phục vụ thị trường Ả Rập và đưa đi châu Âu. Ngoài ra, thời gian tới, hợp tác xã sẽ làm thêm rượu trầm, kỳ nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong nước. “Bao năm nay, người dân làng trầm mong mỏi sản phẩm làng nghề phải được phát triển lên tầm cao mới. Mình ở vùng đất chuyên về du lịch nên càng có điều kiện hơn để đưa trầm hương đến gần với thị trường quốc tế. Những sản phẩm nước hoa trầm hương hi vọng sẽ là bước đột phá cho nghề truyền thống của cha ông mà những người con làng trầm đã và đang tự làm mới mình, thay đổi theo thị hiếu của khách hàng”, ông Đức bày tỏ.


Chia tay làng trầm trong tiết trời chớm xuân, thoảng trong không gian mùi thơm dịu ngọt của trầm hương, thấy lòng thư thái, tâm tịnh hư không. Hương trầm cứ vấn vít như níu giữ tâm hồn lữ khách ở lại xứ Trầm hương.


Đình Lâm - Thanh Long


 

Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp