Chợ di động trên biển

Thứ hai - 16/01/2023 22:03
Bao năm qua, việc vận chuyển, cung cấp các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống cho người dân các thôn đảo của xã Vạn Thạnh (huyện Vạn Ninh) và người nuôi trồng thủy sản trong khu vực phần lớn dựa vào những chuyến đò ngang. Những ngày giáp Tết, trên bến dưới thuyền tấp nập hơn khung cảnh vận chuyển hàng hóa và người dân đi lại. Những chuyến đò ví như chợ di động trên biển càng thêm nhộn nhịp. Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Chợ di động trên biển

Bao năm qua, việc vận chuyển, cung cấp các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống cho người dân các thôn đảo của xã Vạn Thạnh (huyện Vạn Ninh) và người nuôi trồng thủy sản trong khu vực phần lớn dựa vào những chuyến đò ngang. Những ngày giáp Tết, trên bến dưới thuyền tấp nập hơn khung cảnh vận chuyển hàng hóa và người dân đi lại. Những chuyến đò ví như chợ di động trên biển càng thêm nhộn nhịp.


Từ lâu, việc mua hàng hóa do các chuyến đò ngang vận chuyển trong đất liền ra đảo đã trở thành nét sinh hoạt quen thuộc với người dân trên các thôn đảo: Ninh Tân, Ninh Đảo, Khải Lương và Điệp Sơn, xã Vạn Thạnh. Những ngày giáp Tết, trên bến tổng hợp Vạn Giã (thị trấn Vạn Giã, Vạn Ninh) không khí tấp nập, hối hả hơn hẳn ngày thường. Từng chiếc xe lôi, xe ba gác từ các khu chợ trên địa bàn chở các mặt hàng rau củ quả, lá dong, gạo nếp, trái cây, kẹo bánh, rượu bia, nước ngọt, thực phẩm tươi… nối đuôi nhau đổ về bến tập kết hàng hóa cho những chuyến đò ngang. Bà Trương Thị Sinh, chủ một chiếc đò đang đợi tập kết hàng cho biết, bà làm nghề mua hàng hóa từ đất liền chở ra bán cho người dân các thôn đảo và người nuôi trồng thủy sản trên địa bàn xã Vạn Thạnh từ hơn 20 năm nay. Những ngày giáp Tết, nhu cầu của người dân về các mặt hàng thiết yếu tăng cao so với ngày thường nên bà phải đi chợ từ 5 giờ để lựa chọn hàng hóa. Sau đó, các chủ hàng sẽ cho người vận chuyển đến giao ngay tại bến để nhân công bốc xếp xuống đò chở ra các đảo.

 

Nhà đò tập kết hàng hóa để vận chuyển ra đảo.

Nhà đò tập kết hàng hóa để vận chuyển ra đảo.


Đến 12 giờ trưa, việc tập kết hàng hóa lên 4 chiếc đò tại bến đã hoàn tất, những hành khách nhanh chóng bước xuống đò, mặc áo phao cẩn thận trước khi đò rời bến. Chúng tôi cũng kịp tìm cho mình chỗ ngồi trên con đò ngang hướng ra thôn đảo Ninh Tân.


Sau gần 1 giờ trên biển, con đò bắt đầu chạy chậm dần và ghé vào khu nuôi trồng thủy sản Ninh Tân để giao hàng hóa cho người dân. Do phần lớn khách hàng gọi điện đặt hàng từ trước nên việc giao hàng diễn ra rất nhanh chóng, chỉ mất ít phút cho mỗi điểm dừng. Bà Sinh cho biết, trong số những mặt hàng vận chuyển vừa có hàng do bà mua vừa có hàng nhận vận chuyển thuê từ đất liền gửi ra cho người dân trên đảo và các lồng bè nuôi trồng thủy sản. Giá cả hàng hóa cũng chỉ nhỉnh hơn trong đất liền một ít. Ông Trần Kim Sơn, chủ bè nuôi trồng thủy sản tại thôn Ninh Tân cho biết: “Mô hình chợ di động này tiện lợi, đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân, nhất là người nuôi trồng thủy sản trên các lồng bè. Mỗi khi cần mặt hàng gì, chúng tôi chỉ việc gọi điện thoại là ngày hôm sau sẽ có đò ra giao hàng”.

 

Giao hàng  cho người dân trên lồng bè nuôi trồng thủy sản.

Giao hàng cho người dân trên lồng bè nuôi trồng thủy sản.


Rời thôn đảo Ninh Tân, chúng tôi đón chuyến đò của ông Nguyễn Văn Pháp để tiếp tục hành trình đến thôn Khải Lương. Những ngày cận Tết, con đò chở người và hàng hóa nhiều hơn so với ngày thường. Trên hành trình đến Khải Lương, con đò rẽ sóng ghé các bè nuôi trồng thủy sản trên vịnh Vân Phong để giao hàng hóa gửi từ đất liền gửi ra. Ông Pháp cho biết, ông chạy đò đã được 26 năm. Mỗi tháng, ông chạy khoảng 15 ngày, từ Khải Lương đến Vạn Giã và ngược lại. Đi cùng ông Pháp là người phụ tàu tên Vương, mỗi khi đến từng bè, anh Vương là người giao hàng cho khách. Anh Vương cho biết, anh làm công việc này được 6 tháng, mỗi ngày được trả tiền công 400 ngàn đồng, nếu lượng hàng hóa và khách nhiều thì chủ đò bồi dưỡng thêm. Anh Vương chia sẻ, nghề “shipper” trên biển cũng có cái thú vui riêng, bởi anh được gặp gỡ, giúp đỡ nhiều người.


Hàng chục năm qua, 5 con đò ngang dân sinh chạy tuyến Vạn Giã đến các thôn đảo của xã Vạn Thạnh đã cần mẫn phục vụ người dân đi lại, cung cấp đầy đủ các mặt hàng thiết yếu, phục vụ người dân đảo và người nuôi trồng thủy sản.


THẾ ANH - ĐỒNG XUÂN



 

Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp