Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ [email protected], cảm ơn !

Mong lắm một cây cầu…

Thứ bảy - 11/08/2018 00:22
Bao lâu nay, người dân thôn Hiệp Thạnh (xã Ninh Bình, Ninh Hòa, Khánh Hòa) muốn qua thôn Đại Cát (xã Ninh Phụng) và ngược lại đều di chuyển bằng cách đi bè qua sông. Người dân mong ước sớm có một cây cầu để không còn cảnh đò ngang trắc trở…

Bám dây vượt sông


Từ Quốc lộ 26 rẽ xuống một lối nhỏ tới bờ sông, trước mắt chúng tôi là một bè nhỏ và 2 sợi dây vắt từ bờ bên này qua bờ bên kia. Em Nguyễn Thái Ngọc Thảo (15 tuổi, thôn Hiệp Thạnh) đang chờ bè cho biết, từ nhỏ em đã quen đi đò cùng người lớn và năm nay mới được tự đi một mình. Thảo học Trường THCS Trần Quốc Tuấn ở thôn Đại Cát. Nhà và trường chỉ cách mỗi con sông nhưng nếu không đi đò sẽ phải đi vòng rất xa. Bè cập bờ, sau khi cả người cả xe đều yên vị, anh lái đò nắm sợi dây kéo bè chầm chậm sang bờ bên kia.
 

images5339522 C u b c qua s ng C i 1

Vợ chồng anh Trầm đưa khách qua sông.

Chủ bè là vợ chồng anh Phùng Xuân Trầm và chị Võ Thị Thu Thanh (ở thôn Hiệp Thạnh). Ngôi nhà của họ ngay bờ sông nên trong lúc nói chuyện với chúng tôi, anh Trầm vẫn có thể quan sát được khi có khách gọi. Anh Trầm kể, bến đò tự phát này có từ thời ông nội anh. Trước đây là chở bằng thuyền, khoảng những năm 90 mới nghĩ ra kết bè vì an toàn, đỡ chông chênh hơn thuyền, còn sợi dây dài 86m vắt qua sông này thì chưa lâu. Ban đầu chỉ là bè tre, hiện nay, bè được kết từ phi nhựa bên dưới và gỗ kết thành tấm ở bên trên.

Nhìn ra mặt sông rộng lăn tăn sóng, anh Trầm bảo, khi chưa có sợi dây này, hàng ngày vợ chồng chống bè qua sông, gặp hôm có gió, có sóng chèo bở hơi tai vì bè bị đẩy trôi. “Cách đây 3 năm, trong một lần đứng chờ tàu hỏa đi qua, tôi thấy người ta đẩy gác chắn đường nên chợt nghĩ sao mình không làm dạng ròng rọc để cố định hướng đi của bè. Ra mấy tiệm sửa xe, tiệm sắt mua các vật dụng cần thiết rồi tự độ chế hệ thống dây neo ròng rọc chạy từ bên này qua bên kia sông, phía dưới là dây thép, có nhiệm vụ giữ cho bè không trôi lệch khỏi quỹ đạo, phía trên là dây dù. Khi khách đã lên bè ổn định chỗ, người kéo bè bám vào dây dù để đưa bè qua sông, nhẹ nhàng hơn nhiều”, anh Trầm chia sẻ.

Mấy năm nay, anh Trầm đi làm công nhân nên việc kéo bè chở khách chủ yếu do vợ đảm nhận, một phần kiếm thêm thu nhập, một phần vì nhiều bà con có nhu cầu qua lại nên mới duy trì. Thay vì tính đầu người, đầu xe, vợ chồng họ chỉ tính mỗi lượt qua sông 2.000 đồng; học sinh chở miễn phí vì “cha mẹ các cháu ráng nuôi con ăn học, làm sao mình có thể lấy tiền của các cháu được”.
 

images5339523 C u b c qua s ng C i 2
Khách qua sông chủ yếu là người quen nên cũng phụ 1 tay kéo bè.

Chờ ngày có cầu

Giữa trưa, anh Trầm phụ bà Phạm Thị Phượng đẩy xe đạp lỉnh kỉnh lên bè. Bà Phượng bảo: “Nếu không đi bè, tôi phải đạp xe qua thôn Tân Thành, Bình Thành rồi qua cầu Bến Gành mất cả nửa tiếng. Nhưng mùa này còn đi được chứ ít bữa nữa mùa mưa bè nghỉ vẫn phải đi xa. Vì thế, chúng tôi mong các cấp, ngành xây cầu để đi lại không còn vất vả”. Anh Trầm cho biết: “Nhiều hôm 2 - 3 giờ sáng vẫn có người gọi qua sông, nhất là những lúc có người đau bệnh hay có việc cần qua gấp mình cũng vui vẻ kéo bè. Mùa mưa bè sẽ nghỉ để đảm bảo an toàn. Tôi cũng như người dân ở đây đều mong có được cây cầu để đỡ cực khổ”. 
 

images5339524 C u b c qua s ng C i 3
Mỗi chuyến bè qua sông 2.000 đồng.

Theo ông Phạm Châu - Trưởng thôn Hiệp Thạnh, không chỉ 160 hộ thôn Hiệp Thạnh mà người dân của xã Ninh Bình, Ninh Xuân đều mong muốn có một cây cầu. Ông Châu bảo người dân khổ đủ đường, làm ra nông sản nhưng giao thông cách trở bán cũng khó khăn, người dân xây sửa nhà cũng phải trả phí vận chuyển cao hơn do phải đi đường vòng nhưng thương nhất là các cháu học sinh đi học vất vả.


Trong nhiều đợt tiếp xúc cử tri tại các xã: Ninh Xuân, Ninh Bình, người dân đều kiến nghị Nhà nước sớm đầu tư cầu bắc qua sông Cái nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Và tại thông báo kết luận buổi làm việc vào ngày 7-8-2017 của đồng chí Nguyễn Đắc Tài - Phó Chủ tịch UBND tỉnh với xã Ninh Xuân, lãnh đạo UBND tỉnh đã giao UBND thị xã Ninh Hòa tổ chức khảo sát, xem xét đầu tư xây dựng cầu qua sông Cái ở khu vực Ninh Xuân, Ninh Bình.
 

images5339525 C u b c qua s ng C i 4
Một cách khác để qua sông Cái khu vực này là đi trên đập 7 xã cách bến đò hơn 2 cây số.

Trực tiếp khảo sát về xây cầu, ông Nguyễn Vĩnh Thạnh - Phó Chủ tịch UBND thị xã cho biết, hiện nay, thôn Ngũ Mỹ (xã Ninh Xuân) nằm ở tây - nam bờ sông Cái có khoảng 260 hộ chủ yếu làm nghề nông, muốn đi ra Quốc lộ 26 phải đi tạm qua bờ đập dâng sông Cái (đập 7 xã). Đây là đập thủy lợi chỉ có thể đi tạm xe máy, xe đạp, còn ô tô phải đi qua Tỉnh lộ 8, qua cầu Đỏ hoặc vòng về phía nam qua cầu Bến Gành. Đối với xã Ninh Bình, hiện nay, các thôn dọc bờ sông Cái gồm: Hiệp Thạnh, Bình Trị, Tân Thừa, Tân Bình có hơn 500 hộ sinh sống có nhu cầu qua lại Quốc lộ 26 để làm ăn, học tập. Đặc biệt, công nhân Nhà máy đường Ninh Hòa - Biên Hòa, Nhà máy gạch tuy - nen Ninh Hòa, Nhà máy tàu biển Hyundai Vinashin, các trại chăn nuôi của Khatoco, học sinh Trường THPT Nguyễn Chí Thanh… đều phải đi xa hoặc qua bến đò tự phát tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Bởi thế, khi cầu được xây dựng sẽ đáp ứng nhu cầu lưu thông trong khu vực, đảm bảo an toàn giao thông cho người dân nhất là trong mùa mưa lũ.

Theo ông Phan Văn Dọn - Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị Ninh Hòa, đơn vị tư vấn khảo sát 3 vị trí, sau khi xem xét, UBND thị xã lựa chọn vị trí xây cầu từ Quốc lộ 26, cổng làng thôn Vân Thạch (xã Ninh Xuân) đi vào sông Cái, qua sông Cái đi thôn Ngũ Mỹ của xã Ninh Xuân và thôn Bình Trị của xã Ninh Bình, nằm phía đông thuộc hạ lưu đập dâng sông Cái. Hiện nay, đơn vị tư vấn đang lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư. Sau khi hoàn thành sẽ báo cáo UBND thị xã, Sở Kế hoạch và Đầu tư để trình UBND tỉnh xem xét.

Tác giả bài viết: NAM DU - HỒNG ĐĂNG
Nguồn tin: www.baokhanhhoa.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp