Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ info@tintuckhanhhoa.com, cảm ơn !

Ninh Hòa: Nhiều hệ lụy từ hoán đổi đất

Thứ ba - 10/01/2023 12:03
Trong thời gian dài, 8 xã, phường của thị xã Ninh Hòa đã tự ý lấy hơn 76.000m2 đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích (đất 5%) để hoán đổi đất cho người dân trái quy định nên đến nay, 50 hộ dân vẫn chưa được cấp sổ đỏ cho diện tích được hoán đổi. Họ đã "gõ cửa" nhiều nơi để đòi quyền lợi chính đáng của mình nhưng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Ninh Hòa: Nhiều hệ lụy từ hoán đổi đất

Trong thời gian dài, 8 xã, phường của thị xã Ninh Hòa đã tự ý lấy hơn 76.000m2 đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích (đất 5%) để hoán đổi đất cho người dân trái quy định nên đến nay, 50 hộ dân vẫn chưa được cấp sổ đỏ cho diện tích được hoán đổi. Họ đã “gõ cửa” nhiều nơi để đòi quyền lợi chính đáng của mình nhưng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Sai quy trình


Trong suốt thời gian từ năm 1997 đến 2018, 8 xã, phường ở thị xã Ninh Hòa, gồm: Ninh Hiệp, Ninh Giang, Ninh Hà, Ninh Thân, Ninh Tân, Ninh Quang, Ninh Thượng và Ninh Hưng đã lấy 76.199m2 đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích để hoán đổi (bồi thường) 63.758m2 đất nông nghiệp của 50 hộ gia đình, cá nhân được giao theo Nghị định 64/CP của Chính phủ quy định về việc giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định, lâu dài vào mục đích sản xuất nông nghiệp, để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tại địa phương (làm đường, nhà sinh hoạt cộng đồng, trường học, nghĩa địa…). Trong số này, xã Ninh Thân có diện tích đất hoán đổi lớn nhất, lên tới gần 24.000m2, riêng hộ bà Đỗ Thị Trừ ở xã này có tới 14.645m2 đất ruộng bị ảnh hưởng. Còn tại phường Ninh Giang, tổng cộng có đến 24 hộ có đất ruộng bị hoán đổi với diện tích gần 14.000m2.

 

Người dân đã nhiều lần phản ánh, kiến nghị tới chính quyền địa phương  nhưng vẫn chưa được giải quyết thấu đáo.

Người dân đã nhiều lần phản ánh, kiến nghị tới chính quyền địa phương nhưng vẫn chưa được giải quyết thấu đáo.


Qua tìm hiểu, diện tích đất của 50 hộ trước khi hoán đổi đều đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng khi chính quyền thu hồi và hoán đổi đất với dân chỉ thông báo miệng hoặc làm hợp đồng chuyển đổi quyền sử dụng đất sai quy định. UBND các xã, phường đã không thực hiện đúng trình tự thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư theo quy định của Luật Đất đai khi sử dụng diện tích đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích để hoán đổi lấy diện tích đất sản xuất nông nghiệp của các hộ gia đình, cá nhân được giao theo Nghị định 64/CP thực hiện đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tại địa phương. Điều này dẫn đến không thực hiện được việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các thửa đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích đã hoán đổi.  


Khi chúng tôi ghé tổ dân phố Phú Thứ, phường Ninh Giang, một số hộ có đất bị hoán đổi mang nhiều giấy tờ đất để phản ánh bức xúc của mình. Bà Huỳnh Thị Tới (Tổ dân phố Phú Thứ) bất bình nói: “Nhà tôi có gần 3 sào đất lúa (1.500m2) ở ngay cạnh nhà. Năm 2010, phường lấy đất của tôi để làm nhà sinh hoạt cộng đồng, rồi dùng mảnh đất khác ở cánh đồng xa, đất xấu để đổi cho tôi. Thời điểm đó, tôi không đồng ý đổi, nhưng cán bộ kêu không đổi cũng bị thu hồi. Do đi làm thuê ở xa, lâu lâu cán bộ lại nhắn về đổi đất nên tôi đành chấp nhận. Vấn đề là khi đổi không làm giấy tờ và kéo dài cho đến nay”.


Trong số những hộ bị đổi đất, đa số bị đổi từ nơi đất tốt sang những nơi đất xấu hơn, thậm chí có chỗ không thể canh tác. Ông Đoàn Ngọc Mai (Tổ dân phố Phú Thứ) nói: “Nhà tôi có gần 6 sào lúa ở cánh đồng Mũ Mác, khi phường làm con đường đi qua bị ảnh hưởng 500m2. Nhà nước đã lấy phần ruộng của gia đình tôi và cấp đổi một mảnh ruộng cách rất xa, ở cánh đồng Ồ Ồ sát biển. Mảnh ruộng đầu thừa, đuôi thẹo rất khó canh tác nên vụ làm, vụ bỏ”. Tương tự các hộ khác, điều khiến ông Mai không hài lòng nhất là việc chính quyền địa phương lấy đất đã hơn chục năm rồi, nhưng không hề có giấy tờ. “Hiện nay, thửa ruộng cũ đã thay đổi hiện trạng, còn mảnh ruộng được đổi thì không có giấy tờ, muốn cho con cũng không được” - ông Mai lo lắng.

Đơn phản ánh, kiến nghị của người dân

Đơn phản ánh, kiến nghị của người dân


Biết có phóng viên đến hỏi về việc đổi đất công ích, ông Võ Văn Thảo - thôn Đại Mỹ, xã Ninh Thân tất tả chạy ngoài đồng về để phản ánh. Lục lọi cả xấp giấy tờ dày cộp, ngả màu ố vàng, ông Thảo nói: “Mẹ tôi là bà Đỗ Thị Trừ có 14.645m2 đất canh tác ở cánh đồng Đại Mỹ. Năm 2013, Nhà nước có chủ trương xây dựng nghĩa địa của xã Ninh Thân nên đã đổi cho gia đình tổng cộng 17.875m2 đất lúa tại cánh đồng Suối Mét. Nói là đổi vậy thôi, chứ từ đó đến nay, chúng tôi chưa nhận được quyết định đổi đất nào. Nhiều lần lên xã yêu cầu phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với phần đất được hoán đổi thì xã cứ khất lần. Tôi làm đơn nhiều lần, mong Nhà nước xem xét, sớm cấp sổ đỏ cho diện tích đất được hoán đổi để yên tâm sản xuất, chia cho con cái, nhưng đến nay vẫn phải chờ”.


Không những vậy, đối với phần đất còn lại sau khi hoán đổi, người dân gặp vướng mắc khi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cũ không còn giá trị vì hiện trạng đã bị thay đổi. Khi người dân đem sổ đỏ đi chỉnh lý thì được yêu cầu phải đóng tiền đo đạc lại mới có thể thực hiện được.


Cần sớm có hướng tháo gỡ


Trong nhiều năm qua, gần như kỳ họp HĐND nào của 8 xã, phường nói trên, cử tri cũng đều kiến nghị Nhà nước giải quyết dứt điểm việc đổi đất của dân, nhưng sự việc vẫn giậm chân tại chỗ. Xã, phường hỏi thị xã, thị xã hỏi cơ quan cao hơn nhưng vẫn chưa có đáp án cuối cùng để giải quyết hậu quả. Ông Nguyễn Ninh Khánh - Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Thân thở dài lo lắng: “Hoán đổi đất như vậy không phù hợp với quy định của pháp luật. Việc này diễn ra ở các nhiệm kỳ trước nên chúng tôi cũng không rõ tại sao lại làm như vậy. Giờ địa phương cũng chưa biết giải quyết thế nào. Chúng tôi đã kiến nghị lên thị xã nên giờ đợi hướng giải quyết của thị xã”. Ông Nguyễn Minh Nhật - Chủ tịch UBND phường Ninh Hà cũng nói tương tự: “Người dân mong muốn Nhà nước sớm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng địa phương cũng chỉ biết kiến nghị lên thị xã có hướng tháo gỡ thôi”.


Từ thực tế nói trên, UBND thị xã Ninh Hòa đã báo cáo UBND tỉnh xem xét cho chủ trương thu hồi các thửa đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân (đất nông nghiệp giao theo Nghị định 64/CP) do UBND các xã, phường vận động hoán đổi để thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng tại các địa phương. Đồng thời, thu hồi các thửa đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích do các xã, phường quản lý để giao cho UBND thị xã Ninh Hòa thực hiện bồi thường bằng đất cho các hộ gia đình, cá nhân bị ảnh hưởng và thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân.


Tuy nhiên, theo văn bản tham mưu của Sở Tài nguyên và Môi trường, việc UBND các xã, phường của thị xã Ninh Hòa qua các thời kỳ đã tự ý tiến hành thu hồi đất nông nghiệp của các hộ gia đình, cá nhân để sử dụng vào mục đích xây dựng các công trình công cộng và giao đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích do UBND xã, phường đang quản lý cho các hộ gia đình, cá nhân sử dụng là không phù hợp với quy định của pháp luật về đất đai. Cụ thể, các xã, phường đã giao đất không đúng thẩm quyền. Mà đối với trường hợp đất giao không đúng thẩm quyền, pháp luật quy định Nhà nước không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và thu hồi toàn bộ diện tích đất đã giao, cho thuê không đúng thẩm quyền kể từ ngày 1-7-2014 trở về sau. Do vậy, Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND thị xã Ninh Hòa kiểm tra, rà soát hồ sơ về nguồn gốc, quá trình sử dụng đất của từng trường hợp cụ thể và căn cứ các quy định của pháp luật đất đai có liên quan để xem xét, giải quyết theo đúng thẩm quyền và quy định của pháp luật.


Trao đổi với chúng tôi về hướng giải quyết, bà Nguyễn Thị Hồng Hải - Phó Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa cho biết, UBND thị xã đã giao Thanh tra thị xã đưa vào kế hoạch thanh tra năm 2023, ưu tiên tiến hành thanh tra ngay từ đầu năm. Trong đó, cơ quan thanh tra thị xã phải làm rõ 3 nội dung: Thứ nhất, xác định các xã, phường có thực hiện các công trình, dự án như đã báo cáo hay không; thứ hai, các xã, phường có thu hồi đất của người dân để thực hiện các dự án đó hay không; thứ  ba, các xã, phường có sử dụng quỹ đất 5% để đổi cho người dân hay không. Sau khi có kết luận thanh tra, dựa trên cơ sở kết luận đó, thị xã sẽ thực hiện các thủ tục để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân theo đúng quy định. “Theo quy định, khi thực hiện các dự án, chủ đầu tư phải lập phương án bồi thường cho các tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng. Trong phương án bồi thường này có thể áp dụng bồi thường bằng tiền hoặc bồi thường bằng đất. Trong trường hợp bồi thường bằng đất, UBND thị xã Ninh Hòa sẽ trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết thu hồi đất 5% của các xã có hoán đổi, trên cơ sở đó, UBND tỉnh ban hành quyết định thu hồi đất, giao cho UBND thị xã Ninh Hòa tiến hành bồi thường cho những hộ dân bị ảnh hưởng” - bà Nguyễn Thị Hồng Hải chia sẻ.


Nhóm PV


 

Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp