Tin tức Khánh Hòa - Trang thông tin điện tử TP Nha Trang

https://www.tintuckhanhhoa.com


Xóm, làng miền Trung ở xứ Trầm

Xóm, làng miền Trung ở xứ Trầm
Trong dòng chảy lịch sử, nhiều người dân miền Trung đã chọn Khánh Hòa làm quê hương thứ hai của mình. Họ lập nên những xóm, làng như: "Xứ Huế" ở Đại Lãnh (huyện Vạn Ninh), "thôn Quảng Bình" ở TP. Cam Ranh, "làng Quảng Trị" ở huyện Cam Lâm…, góp thêm sự đa dạng về văn hóa, bản sắc cho xứ Trầm Hương. Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa

Trong dòng chảy lịch sử, nhiều người dân miền Trung đã chọn Khánh Hòa làm quê hương thứ hai của mình. Họ lập nên những xóm, làng như: “Xứ Huế” ở Đại Lãnh (huyện Vạn Ninh), “thôn Quảng Bình” ở TP. Cam Ranh, “làng Quảng Trị” ở huyện Cam Lâm…, góp thêm sự đa dạng về văn hóa, bản sắc cho xứ Trầm Hương.

“Xứ Huế” ở Đại Lãnh


Xã Đại Lãnh là cửa ngõ phía bắc của huyện Vạn Ninh, tiếp giáp tỉnh Phú Yên. Qua lời giới thiệu của ông Trần Ngọc Khiêm - Phó Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh, chúng tôi được biết ở vùng quê Đại Lãnh có một thôn nhỏ ven biển đặt tên là Đông Nam, còn được gọi là “xứ Huế ở Đại Lãnh”, bởi thôn này có 346 hộ với 1.446 nhân khẩu thì hơn 90% là người gốc ở tỉnh Thừa Thiên Huế.

 

 Khu vực thôn Đông Nam, xã Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh.

Khu vực thôn Đông Nam, xã Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh.


Chúng tôi đến thôn Đông Nam đúng dịp ông Ngô Kiệt (69 tuổi) đang huy động người dân góp tiền lập đền thờ ông Phạm Ngũ Giáo (quê tỉnh Thừa Thiên Huế) được xem là ông tổ của làng. Ông là người đã kêu gọi tập hợp người gốc tỉnh Thừa Thiên Huế hội tụ lại thành làng như ngày hôm nay.


Ông Kiệt chia sẻ, quê gốc cha mẹ ông ở phường An Cựu (TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế), nhưng ông sinh ra và lớn lên ở Đại Lãnh. Đến nay, những người Huế đầu tiên vào Đại Lãnh đều đã không còn. Ông chỉ được nghe các cụ kể lại đó là thời điểm những năm 1920, chịu cảnh sưu cao thuế nặng, cộng thêm khí hậu khắc nghiệt, cuộc sống lầm than nên nhiều người dân xứ Huế đã quyết định di cư đến vùng đất mới. Những người gốc tỉnh Thừa Thiên Huế ra đi thời điểm đó đều làm nghề biển nên chọn Đại Lãnh. Ban đầu chỉ vài hộ, họ ở đảo Hòn Nưa (nay thuộc tỉnh Phú Yên) vì trên đảo có nước ngọt và sát biển. Và rồi, ông Phạm Ngũ Giáo là người làm quan triều đình thời điểm đó đã kêu gọi tập hợp toàn bộ người tỉnh Thừa Thiên Huế về thành xóm, làng như ngày hôm nay. Sau khi đất nước giải phóng năm 1975, nhiều người dân miền biển ở tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục kéo nhau vào Đại Lãnh để lập nghiệp. Ga Đại Lãnh ngày nay chính là nơi chứng kiến những người dân tỉnh Thừa Thiên Huế thời điểm đó, đặt những dấu chân đầu tiên đến miền đất mới.

 

Chúng tôi được giới thiệu bà Lê Thị Thiện (quê huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế), đến nay vẫn còn làm các loại mắm theo cách người Huế để bán cho người dân trong thôn và khách du lịch. Bà Thiện kể: “Tôi mua hải sản của ngư dân Đại Lãnh làm mắm theo công thức gia truyền. Mắm Huế mùi vị cay nồng, mặn mòi và đậm đà hơn hẳn. Ngày xưa, vùng ni còn có người làm nón bài thơ, bán bún bò Huế chính hiệu… nhưng dần dần “nhập gia tùy tục” nên cách ăn uống, giọng nói, trang phục hiện nay cũng pha lẫn với người địa phương”. Mời chúng tôi bữa cơm, các bát ăn, gia vị ở nhà bà Thiện cái gì cũng nhỏ nhắn, tỉ mỉ giống như nét văn hóa Huế.

 

Bà Lê Thị Thiện giới thiệu mắm Huế.

Bà Lê Thị Thiện giới thiệu mắm Huế.


 

Không chỉ có người Huế, ở xã Đại Lãnh còn có xóm Tây Nam 1 với khoảng 70 hộ đều là người tỉnh Quảng Ngãi vào đây xây dựng kinh tế mới. Người dân trong thôn kể, trước đây, để nhận đồng hương Quảng Ngãi, cứ thấy bán gương, lược là biết ngay người huyện Sơn Tịnh; bán võng xếp là người thị xã Đức Phổ; làm tò he là người huyện Mộ Đức.

 

Ông Nguyễn Minh Tuấn - Chủ tịch UBND xã Đại Lãnh chia sẻ, những cộng đồng dân cư miền Trung ở Đại Lãnh đều rất đoàn kết, đùm bọc, yêu thương nhau. Họ đều chịu thương, chịu khó, hầu hết làm nghề biển, luôn tuân thủ các quy định ở địa phương.

 

 

Một góc biển Đại Lãnh.

Một góc biển Đại Lãnh.

 

Thôn Quảng Bình ở Cam Ranh


Ngã ba Đồng Lác, giao nhau giữa Tỉnh lộ 9 và đường Hùng Vương (TP. Cam Ranh) là điểm dừng chân quen thuộc của những người con làm ăn xa trở về quê nhà. Nhưng không phải ai cũng biết, lịch sử của tên gọi ngã ba Đồng Lác gắn liền với sự hình thành của thôn Hòa Bình (xã Cam Phước Đông), xóm làng của những người di cư từ tỉnh Quảng Bình trước đây.


Ông Nguyễn Văn Phụng - Phó Chủ tịch UBND xã Cam Phước Đông cho biết, thôn Hòa Bình có 577 hộ với 2.857 nhân khẩu. Thôn Hòa Bình và thôn Hòa An trước đây là 1 thôn, sau đó tách ra thành 2 thôn, có đến 90% là người huyện Quảng Trạch và huyện Bố Trạch (tỉnh Quảng Bình). Thôn Hòa Bình trước đây gọi là Đồng Lác vì toàn cỏ lác, là nơi tập trung người từ tỉnh Quảng Bình vào khai khẩn làm ăn từ năm 1956.


Những ngày đầu tháng 6, rời thành phố náo nhiệt, chúng tôi về với thôn Hòa Bình. Cảm nhận đầu tiên là sự bình yên bởi nơi đây thật sự là vùng quê yên ả với bát ngát ruộng đồng, xanh ngát những hàng cau. Ruộng lúa được canh tác ngay trước cửa nhà mỗi người dân. Trẻ con nơi đây sinh ra và lớn lên đều giữ nguyên giọng nói Quảng Bình.

 

Thôn Hòa Bình - nơi có 90% là người gốc tỉnh Quảng Bình.

Thôn Hòa Bình - nơi có 90% là người gốc tỉnh Quảng Bình.


Không chỉ ở TP. Cam Ranh, ở huyện Cam Lâm còn có một “làng Quảng Trị” ở xã Cam An Bắc. Xã có 5 thôn nhưng có đến 4 thôn mang địa danh Quảng Trị: Thủy Ba, Hiền Lương, Triệu Hải, Cửa Tùng, duy nhất thôn còn lại mang tên Tân An.


Ông Lê Văn Hoa - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao chia sẻ: Vùng đất Khánh Hòa có dãy Trường Sơn hình cánh cung ôm trọn, thế tựa vào núi, mặt hướng ra biển, hội tụ đầy đủ thiên thời, địa lợi nên nhiều người dân miền Trung ở các địa phương khác như: Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị… chọn làm nơi an cư, lạc nghiệp. Ở dải đất miền Trung hàng năm chịu nhiều thiên tai, bão lũ, con người như kiên trì, bền gan hơn. Người miền Trung vào Khánh Hòa cần cù, sáng tạo chịu khó làm ăn, hòa nhập nhanh với cộng đồng cư dân bản địa. Cho đến nay, có nhiều nét văn hóa, điệu hò, câu hát, tác phẩm văn chương viết về xứ Trầm Hương… đều do người miền Trung đem vào và chắp bút.

 

Trong cuốn Địa chí Khánh Hòa ghi lại rằng: “Sau người Chăm và Raglai, kể từ năm 1653 khi vùng đất Khánh Hòa ngày nay trở thành một bộ phận của lãnh thổ nước Đại Việt (Việt Nam ngày nay), người Kinh (Việt) từ miền Bắc, miền Trung lần lượt di dân vào định cư ở Khánh Hòa, khai phá xây dựng vùng đất mới... Mỗi tộc người có những giá trị và sắc thái văn hóa riêng từ lâu đời như tiếng nói, chữ viết, phong tục tập quán, tín ngưỡng… nhưng tất cả đều được thống nhất trong tính đa dạng và phát triển trong nền văn hóa chung. Trong suốt quá trình phát triển của lịch sử, các tộc người ở Khánh Hòa có truyền thống cần cù lao động, đoàn kết bên nhau trong đấu tranh chống thiên nhiên khắc nghiệt và chống kẻ thù xâm lược bảo vệ quê hương, đất nước mình”.


THÁI THỊNH






















 

Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp