Tin tức Khánh Hòa - Trang thông tin điện tử TP Nha Trang

https://www.tintuckhanhhoa.com


Để sản phẩm OCOP vươn xa

Để sản phẩm OCOP vươn xa
UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) năm 2022. Theo kế hoạch, năm nay, toàn tỉnh có 62 sản phẩm tham gia chương trình ở 4 nhóm ngành: Thực phẩm; đồ uống; thảo dược và thủ công mỹ nghệ, trang trí. Tuy nhiên, qua khảo sát của cơ quan chức năng, sản phẩm tiềm năng, lợi thế và đặc trưng ở các địa phương còn nhiều, cần tiếp tục hỗ trợ, tư vấn để chủ thể đăng ký tham gia. Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) năm 2022. Theo kế hoạch, năm nay, toàn tỉnh có 62 sản phẩm tham gia chương trình ở 4 nhóm ngành: Thực phẩm; đồ uống; thảo dược và thủ công mỹ nghệ, trang trí. Tuy nhiên, qua khảo sát của cơ quan chức năng, sản phẩm tiềm năng, lợi thế và đặc trưng ở các địa phương còn nhiều, cần tiếp tục hỗ trợ, tư vấn để chủ thể đăng ký tham gia.


Nhiều sản phẩm đặc trưng chất lượng


Năm nay, huyện Vạn Ninh có 18 sản phẩm đăng ký tham gia, trong đó có một số sản phẩm quen thuộc như: Trầm hương Vạn Thắng, dừa xiêm Vạn Thọ, tỏi sẻ Vạn Hưng… TP. Nha Trang có 9 sản phẩm đăng ký tham gia thì có tới 8 sản phẩm được chế biến từ tổ yến và rong biển. Thị xã Ninh Hòa có 12 sản phẩm, trong đó có bồ câu Quốc Anh ở Ninh Sơn, trà dược liệu xáo tam phân ở Ninh Tân… Đối với huyện Cam Lâm, xoài và các sản phẩm chế biến từ xoài vẫn là chủ đạo với 4 sản phẩm. Điểm mới là mọi năm chủ thể đăng ký là các hộ nông dân, còn năm nay 4 sản phẩm đăng ký OCOP đều của các hợp tác xã và doanh nghiệp. Điều này chứng tỏ hoạt động sản xuất, tiêu thụ xoài ở Cam Lâm đã được nâng tầm. Năm nay, huyện Khánh Vĩnh có 2 sản phẩm đều là bưởi da xanh. TP. Cam Ranh có 5 sản phẩm đăng ký, trong đó tôm hùm, thịt dê, táo… là những sản phẩm thế mạnh. Huyện Khánh Sơn có tới 10 sản phẩm, như: Trà vối, măng, chuối, sầu riêng… Huyện Diên Khánh có 2 sản phẩm là gạo Diên Tân và nước uống đóng chai Bình Lộc.

 

Chế tác trầm hương ở làng trầm Vạn Thắng, Vạn Ninh.

Chế tác trầm hương ở làng trầm Vạn Thắng, Vạn Ninh.


Có thể thấy, các sản phẩm đăng ký tham gia chương trình OCOP năm nay đều ít nhiều đã khẳng định được chất lượng trên thị trường. Các sản phẩm còn gắn với các giá trị truyền thống, đặc sắc của vùng miền. Việc đăng ký tham gia chương trình OCOP sẽ giúp cho các sản phẩm này hoàn thiện, chuẩn hóa hơn nữa cả về quy trình sản xuất, chất lượng, bao bì, nhãn mác, kênh phân phối… đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường và giúp quảng bá sản phẩm tốt hơn.


Còn nhiều sản phẩm tiềm năng

 

Theo kế hoạch, tổng kinh phí thực hiện Chương trình OCOP năm 2022 hơn 9,9 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh gần 7,6 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng của các chủ thể tham gia. Trong đó, dành hơn 6,5 tỷ đồng để hỗ trợ phát triển sản phẩm, như: Xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý, cải tiến mẫu mã bao bì, máy móc, trang thiết bị… Ngoài ra, nguồn kinh phí còn dành cho tuyên truyền, đăng ký ý tưởng, tiếp nhận và triển khai kế hoạch kinh doanh, tổ chức đánh giá sản phẩm…

Theo ông Huỳnh Quang Thành - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, để triển khai tốt chương trình OCOP năm 2022,  từ ngày 25 đến 31-5, chi cục đã làm việc với Phòng Kinh tế, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các địa phương: Vạn Ninh, Ninh Hòa, Diên Khánh, Cam Lâm, Khánh Vĩnh, Khánh Sơn;  khảo sát trực tiếp tại một số cơ sở sản xuất để tìm hiểu và tư vấn hỗ trợ thực hiện chương trình. Qua đợt khảo sát, đoàn công tác nhận thấy, so với danh sách đăng ký ban đầu theo kế hoạch được duyệt, sản phẩm tiềm năng, lợi thế và đặc trưng ở các địa phương còn nhiều. Tuy nhiên, không ít chủ thể vẫn chưa tiếp cận, chưa được tuyên truyền sâu rộng về chương trình OCOP nên nhận thức về chương trình này còn hạn chế. Ngoài ra, cán bộ cấp huyện, cấp xã kiêm nhiệm nhiều việc, thay đổi nhân sự thường xuyên cũng ảnh hưởng đến việc tuyên truyền, hướng dẫn cho chủ thể tại địa phương. Đa số chủ thể sau khi tiếp cận với đơn vị tư vấn đã có thêm nhiều ý tưởng sản phẩm mới, có nguyện vọng đăng ký thêm sản phẩm để tham gia chương trình.


Bên cạnh đó, các chủ thể còn gặp khó khăn về hồ sơ, biểu mẫu tham gia chương trình tương đối phức tạp, quá nhiều chỉ tiêu phải có minh chứng cụ thể. Điều này khiến cho nhiều chủ thể e ngại tham gia chương trình. Vì vậy, cần có sự đồng hành hướng dẫn của đơn vị tư vấn trong quá trình tham gia chương trình.


Để đảm bảo tiến độ triển khai chương trình theo kế hoạch, Chi cục Phát triển nông thôn đã đề nghị các địa phương tổ chức cho các chủ thể đăng ký bổ sung sản phẩm tham gia chương trình để đơn vị tổng hợp, tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình UBND tỉnh ban hành Quyết định bổ sung sản phẩm tham gia Chương trình OCOP năm 2022. Được biết, đến ngày 16-6, Chi cục Phát triển nông thôn đã nhận được đề nghị bổ sung tổng cộng 20 sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình OCOP năm 2022 của 4 địa phương gồm: Vạn Ninh, Diên Khánh, Cam Lâm, Khánh Sơn. Chi cục cũng đề nghị các địa phương tăng cường tuyên truyền chương trình OCOP để chủ thể sản xuất và các cán bộ cấp huyện, xã hiểu rõ hơn về chương trình. Qua đợt khảo sát này, Chi cục Phát triển nông thôn và các địa phương đã thống nhất trong những năm tiếp theo, trước khi xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình OCOP, sẽ có sự phối hợp tổ chức khảo sát cụ thể tại các chủ thể để kịp thời tư vấn, hỗ trợ lựa chọn ý tưởng sản phẩm tham gia chương trình hiệu quả hơn.


Hồng Đăng

 

Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp