Tin tức Khánh Hòa - Trang thông tin điện tử TP Nha Trang

https://www.tintuckhanhhoa.com


Mở lại tour "Theo dấu chân bác sĩ A.Yersin"

Mở lại tour "Theo dấu chân bác sĩ A.Yersin"
Trong khuôn khổ Liên hoan Du lịch biển Nha Trang 2022, Hội Lữ hành Khánh Hòa giới thiệu tour du lịch "Theo dấu chân bác sĩ A.Yersin". Bắt đầu từ Công viên A.Yersin (TP. Nha Trang), du khách sẽ từng bước khám phá những dấu ấn, di sản của nhà khoa học lừng danh này trong hơn nửa thế kỷ ông sống và làm việc ở Nha Trang. Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa

Trong khuôn khổ Liên hoan Du lịch biển Nha Trang 2022, Hội Lữ hành Khánh Hòa giới thiệu tour du lịch “Theo dấu chân bác sĩ A.Yersin”. Bắt đầu từ Công viên A.Yersin (TP. Nha Trang), du khách sẽ từng bước khám phá những dấu ấn, di sản của nhà khoa học lừng danh này trong hơn nửa thế kỷ ông sống và làm việc ở Nha Trang.


Đến Bảo tàng Yersin, du khách được tận mắt nhìn thấy những vật dụng cổ xưa, những trang thiết bị phục vụ cho quá trình nghiên cứu khoa học của nhà bác học A. Yersin, như: Đồng hồ Leroy cổ, sách báo, ăng-ten thu phát tín hiệu morse, máy tính, quả địa cầu, kính thiên văn và các dụng cụ thí nghiệm độc đáo khác. Đặc biệt, bảo tàng còn lưu giữ chiếc kính hiển vi mà bác sĩ Yersin đã tìm ra được vi trùng dịch hạch, chiếc máy ảnh ông dùng trong những chuyến đi thám hiểm cao nguyên Lang Biang (Lâm Đồng) và các vùng phụ cận. Du khách còn được xem mô hình căn nhà bác sĩ Yersin ở Xóm Cồn Nha Trang (nay là Nhà khách T378 của Bộ Công an). Trong ngôi nhà này, người bác sĩ khả kính đã cứu sống biết bao người qua những lần treo tín hiệu báo bão; khám, chữa bệnh miễn phí cho dân nghèo. Chính giữa bảo tàng là mô hình căn phòng ngày xưa ông đã sống với chiếc giường, tủ sách, tủ gương đựng quần áo, ghế mây... một cuộc sống khiêm tốn và giản dị. Những lá thư thấm đẫm ân tình mà ông gửi cho mẹ, chị gái cũng được trưng bày cho thấy những tình cảm của ông với đất và người Nha Trang - Khánh Hòa. Sinh thời, A.Yersin là người rất đam mê thám hiểm và nghệ thuật nhiếp ảnh. Ông đã để lại hàng trăm tấm ảnh có giá trị liên quan đến phong cảnh, văn hóa của Khánh Hòa, Lâm Đồng và các tỉnh lân cận. Và một phần trong số đó đang được trưng bày tại Bảo tàng Yersin.

 

Tượng đài bác sĩ A.Yersin bên bờ biển Nha Trang.

Tượng đài bác sĩ A.Yersin bên bờ biển Nha Trang.


Rời bảo tàng, khách theo đường Yersin ngược về phía tây hướng lên Suối Dầu (xã Suối Cát, huyện Cam Lâm) - nơi mà năm 1896, bác sĩ A.Yersin đã lập trại nuôi ngựa điều chế huyết thanh để chữa bệnh dịch hạch; lập trang trại để trồng trọt, chăn nuôi lấy kinh phí phục vụ nghiên cứu khoa học và giúp đỡ người nghèo. Theo các nhà nghiên cứu, khoảng năm 1898, A.Yersin mua một khu đất rộng 500ha ở Suối Dầu để làm nông nghiệp và chăn nuôi. Ông cho trồng cây cà phê Liberia, các loại cây thuốc, cây coca để sản xuất cô-ca-in sử dụng trong ngành dược, tuyển chọn nhiều loại thực vật và động vật từ khắp nơi trên thế giới để nuôi trồng tại đây, biến nó thành một cộng đồng nông nghiệp và khoa học với một trạm xá phục vụ cư dân trong vùng. Trung tâm thí nghiệm này về sau trở thành Viện Thú y đầu tiên ở Đông Dương.


Trong chuyến đi này, du khách được ghé thăm chùa Linh Sơn Pháp Ấn (nguyên là nhà của bác sĩ Yersin thường ở mỗi khi lên Suối Dầu). Mộ bác sĩ Yersin (xã Suối Cát) là điểm cuối của hành trình theo dấu chân người bác sĩ, nhà khoa học lừng danh thế giới. A.Yersin từ trần tại nhà riêng ở Xóm Cồn (Nha Trang) ngày 1-3-1943. Trong di chúc để lại, ông đã viết: “Tôi muốn được chôn ở Suối Dầu. Hãy chôn tôi nằm úp xuống. Yêu cầu ông Bùi Quang Phương (cộng sự lâu năm của A.Yersin) giữ tôi lại tại Nha Trang, đừng cho ai đem tôi đi nơi khác. Mọi tài sản còn lại xin tặng hết cho Viện Pasteur Nha Trang và những người cộng sự lâu năm. Đám tang làm giản dị, không huy hoàng, không điếu văn…”. Và A.Yersin được chôn trên ngọn đồi ở Suối Dầu theo đúng ý nguyện của ông. Thi hài ông nằm sấp, đầu quay về phía biển như muốn ôm trọn mảnh đất Khánh Hòa vào lòng mình. Nhiều du khách đã rất xúc động khi được thắp nén nhang lên mộ A.Yersin, bày tỏ lòng kính ngưỡng công ơn với người đã đóng góp biết bao công sức cho Việt Nam và nhân loại.


Chỉ tiếc, trong hành trình này, du khách không được lên thăm Hòn Bà - nơi vẫn còn nhiều chỉ dấu gợi lên cuộc đời tận hiến cho khoa học của A. Yersin. Ở đó, giữa đại ngàn vẫn còn ngôi nhà gỗ được phục chế nơi ông từng ở và làm việc, những bồn đá xung quanh nhà để ươm những hạt giống cây canh-ki-na, dấu vết hồ chứa nước bơm từ dưới suối lên (máy bơm ông đặt mua từ bên Pháp), bồn đá trong chuồng ngựa cách ngôi nhà gỗ không xa… Ông Trần Minh Đức - Chủ tịch Hội Lữ hành Khánh Hòa chia sẻ, từ khi Khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà được thành lập, việc đi lên Hòn Bà được kiểm soát nghiêm ngặt nên những người làm du lịch không thể thiết kế tour một cách hoàn hảo. Hành trình theo dấu chân bác sĩ A.Yersin đã thiếu đi Hòn Bà với sự nuối tiếc không nhỏ đối với những ai yêu mến và hiểu biết về cuộc đời bác sĩ A.Yersin.

 

Alexandre Emile John Yersin (1863 - 1943) là nhà khoa học lừng danh thế giới người Pháp, gốc Thụy Sĩ. Ở độ tuổi thanh niên, thay vì theo đuổi tương lai khoa học xán lạn ở Paris, ông quyết định rời nước Pháp để đến Đông Dương năm 1890. Đặt chân đến Nha Trang năm 1891, A.Yersin đã yêu mến, gắn bó với mảnh đất này cho đến cuối đời. Ông là người đầu tiên phát hiện ra trực khuẩn gây ra bệnh dịch hạch và cùng với bác sĩ Roux điều chế huyết thanh chữa trị bệnh dịch hạch vào cuối năm 1894. A.Yersin là người sáng lập Viện Pasteur Nha Trang; người sáng lập Trường Y khoa ở Hà Nội (nay là Trường Đại học Y Hà Nội) và trở thành hiệu trưởng đầu tiên của trường. Ông là người phát hiện ra cao nguyên Lang Biang (Lâm Đồng), Hòn Bà (Khánh Hòa), vạch ra con đường bộ từ Trung kỳ sang Campuchia… A.Yersin còn là một nhà nông học xuất sắc khi là người đầu tiên nhập giống cây cao su về trồng tại Việt Nam, trồng thử nghiệm cây canh-ki-na để sản xuất thuốc ký ninh chữa bệnh sốt rét…
 


XUÂN THÀNH

 

Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp