Nơi ấy ngày xưa… san sát nhà chồ

Thứ sáu - 15/11/2024 14:39
Đến Nha Trang hôm nay, đứng trên cầu Trần Phú nhìn về phía cầu Xóm Bóng, nhiều du khách không giấu được cảm xúc trước bức tranh thiên nhiên tươi đẹp với dòng sông Cái êm đềm đổ về biển. Ở phía xa kia, Tháp Bà Ponagar đầy cổ kính, trầm mặc hiện lên trong nắng vàng cùng màu xanh của cây lá. Ít ai biết rằng, 25 năm trước, nơi này (người dân Nha Trang gọi với cái tên chung là Xóm Cồn) là địa điểm ô nhiễm môi trường trầm trọng.
Nơi ấy ngày xưa… san sát nhà chồ

Đến Nha Trang hôm nay, đứng trên cầu Trần Phú nhìn về phía cầu Xóm Bóng, nhiều du khách không giấu được cảm xúc trước bức tranh thiên nhiên tươi đẹp với dòng sông Cái êm đềm đổ về biển. Ở phía xa kia, Tháp Bà Ponagar đầy cổ kính, trầm mặc hiện lên trong nắng vàng cùng màu xanh của cây lá. Ít ai biết rằng, 25 năm trước, nơi này (người dân Nha Trang gọi với cái tên chung là Xóm Cồn) là địa điểm ô nhiễm môi trường trầm trọng.

Nhà chồ ở Xóm Cồn ngày xưa. Ảnh Internet.
Nhà chồ ở Xóm Cồn ngày xưa. Ảnh: Internet

Người dân Xóm Cồn ngày ấy phần lớn sống bằng nghề đi biển. Hai bên bờ từ cầu Xóm Bóng về phía cửa sông, trừ một số ngôi nhà xây, còn lại là những nhà chồ hay bán chồ nằm san sát nhau của hàng trăm hộ gia đình sống chật chội, chen chúc. Đặc điểm của nhà chồ là sự tạm bợ; mái và vách lợp bằng đủ loại vật liệu, có khi bằng tôn, khi bằng bìa cứng, ni lông hay các loại vật dụng khác. Sàn làm bằng ván; trụ nhà là những cây cọc gỗ đóng xuống nước, thấp, cao, chằng chịt. Ở nhiều chỗ, đi từ nhà này sang nhà kia, hoặc đi từ giường ngủ xuống bếp, người ta chỉ sử dụng những tấm ván lót để bước. Gập ghềnh, xiêu vẹo, những căn nhà chồ ven sông Cái mong manh trước sóng gió, vào mùa mưa bão luôn đe dọa đến tính mạng người dân. Nhưng “nỗi ám ảnh” của lòng sông và của biển cả đó là phải “gánh” gần như tất cả rác và chất thải sinh hoạt của hàng ngàn con người đang sinh sống trên các ngôi nhà nhỏ ấy. Phía bờ bắc cửa sông (thuộc phường Vĩnh Thọ), lúc bấy giờ còn có bến cá Cù Lao, nơi hàng ngày thuyền bè đánh cá của ngư dân trong khu vực ra vào buôn bán hải sản, đổ nước thải xuống sông, làm cho sự ô nhiễm càng tăng thêm. Tình trạng trên đã gây ra phản cảm đối với người dân và du khách.

Là phóng viên, tôi có không ít lần đến Xóm Cồn để viết bài về sự xâm thực của biển, về giáo dục, y tế, bảo vệ môi trường nên hiểu rất rõ điều đó... Tiếp xúc với các hộ dân sống trên những ngôi nhà chồ, chúng tôi cảm nhận được sự khó khăn của bà con. Một căn nhà với không gian nhỏ hẹp, nhưng có tới hai hoặc nhiều thế hệ cùng sinh sống. Một số trường hợp có cuộc sống rất bấp bênh vì người thân mất ngoài biển khi đi đánh cá gặp bão. Về vệ sinh môi trường, nhiều người cho biết, việc đổ chất thải xuống sông, xuống biển là điều không nên làm nhưng do hoàn cảnh, họ không còn cách nào khác.

Làm thế nào để giúp người dân tránh được rủi ro, cải thiện cuộc sống trước cảnh phải ở trong những ngôi nhà tạm bợ, đồng thời tạo nên môi trường sạch, đẹp của một thành phố du lịch đó là trăn trở của lãnh đạo tỉnh và TP. Nha Trang trong nhiều năm. Nhiều cuộc họp đã bàn đến vấn đề này nhưng mãi tới năm 1998, thực hiện Chương trình Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 1995 - 2000, trong đó song song với việc xây cầu Trần Phú, mở con đường ven biển nối đường Trần Phú ra khu vực Đồng Đế, công tác giải tỏa ở Xóm Cồn mới được tiến hành. Dù gặp không ít khó khăn nhưng qua vận động, bà con trong khu vực đã đồng ý nhận đền bù, chuyển về sống tại các khu tái định cư như Song Thủy, Hòn Rớ… Vào ngày 2-9-2002, cầu Trần Phú được khánh thành và tiếp đó, hai bờ kè dọc theo hai bên cửa sông cũng lần lượt được xây dựng. Hình ảnh những ngôi nhà chồ lùi dần vào ký ức, thay vào đó là một bức tranh mới với diện mạo đầy sức sống. Dòng sông Cái từ đây đã thành tuyến du lịch đường sông hấp dẫn, đón du khách ngược xuôi giữa đôi bờ phủ kín màu xanh của các vườn cây trái để đến với những vùng quê yên bình.

Khu vực cửa sông Cái ngày nay. 
Khu vực cửa sông Cái ngày nay. Ảnh: G.C

Cùng với các lĩnh vực kinh tế - xã hội, du lịch Nha Trang những năm gần đây phát triển với tốc độ nhanh. Trên những con đường lớn như: Trần Phú, Nguyễn Tất Thành, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp… cùng bao nhiêu con đường khác trong thành phố, nơi nào cũng mọc lên những khách sạn và cơ sở dịch vụ phục vụ du khách. Nhiều chuyến bay quốc tế liên tục đáp xuống sân bay Cam Ranh... Hai tiếng Nha Trang thực sự trở thành thương hiệu hấp dẫn thu hút du khách và các nhà đầu tư kinh doanh du lịch trong và ngoài nước. Riêng năm 2024, tính đến hết tháng 9, Khánh Hòa đã đón 9 triệu lượt khách lưu trú (đạt 100% so với kế hoạch năm, tăng 57,9% so với cùng kỳ năm 2023); trong đó có 3,6 triệu lượt khách quốc tế (vượt 20% so với kế hoạch năm, tăng 147,9% so với cùng kỳ năm 2023); tổng doanh thu du lịch ước đạt hơn 44.138 tỷ đồng (vượt 10% kế hoạch năm, tăng 61,9% so với cùng kỳ năm 2023). Thành tựu ấy đã minh chứng cho sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành Du lịch tỉnh, đồng thời góp phần hiện thực hóa chiến lược đưa Nha Trang - Khánh Hòa trở thành điểm đến hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á, theo tinh thần Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Sự thay da đổi thịt của Xóm Cồn, nơi ngày xưa có những ngôi nhà chồ, là một trong nhiều hình ảnh cụ thể về sự phát triển năng động của Nha Trang những năm qua. Hy vọng rồi đây, với vai trò là 1 trong 3 vùng kinh tế - xã hội trọng điểm của tỉnh (cùng với Cam Ranh, Vân Phong), Nha Trang sẽ tiếp tục đạt được những thành tựu mới, góp phần xây dựng nơi đây trở thành thành phố văn minh, hạnh phúc theo hướng “chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh”.

NGỌC ANH

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp