Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ [email protected], cảm ơn !

Vi phạm phạm vi bảo vệ đường dây và cột thông tin tín hiệu đường sắt: Cần xử lý quyết liệt

Thứ sáu - 13/09/2019 16:04
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 370 trường hợp vi phạm phạm vi bảo vệ đường dây và cột thông tin tín hiệu đường sắt, ảnh hưởng tới công tác duy tu, bảo dưỡng và đảm bảo hoạt động của hệ thống thông tin đường sắt. Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Vi phạm phạm vi bảo vệ đường dây và cột thông tin tín hiệu đường sắt: Cần xử lý quyết liệt

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 370 trường hợp vi phạm phạm vi bảo vệ đường dây và cột thông tin tín hiệu đường sắt, ảnh hưởng tới công tác duy tu, bảo dưỡng và đảm bảo hoạt động của hệ thống thông tin đường sắt.


Theo đại diện Công ty Cổ phần Thông tin tín hiệu đường sắt Sài Gòn, đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý, bảo trì tuyến đường dây thông tin tín hiệu đường sắt từ phía nam ga Diêu Trì đến ga Sài Gòn, đi dọc tuyến đường sắt qua các tỉnh: Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận... Trên địa bàn Khánh Hòa, hầu hết các địa phương có đường dây đi qua đều có trường hợp vi phạm. Cụ thể, huyện Vạn Ninh có 96 trường hợp; thị xã Ninh Hòa 11 trường hợp; TP. Nha Trang 170 trường hợp; huyện Diên Khánh 13 trường hợp; huyện Cam Lâm 69 trường hợp; TP. Cam Ranh 11 trường hợp. Theo thống kê, các hình thức vi phạm điển hình như: xây dựng nhà có phần mái tôn lấn chiếm phạm vi cột thông tin, đường dây; xây nhà che lấp cột thông tin tín hiệu; sử dụng diện tích đất có cột thông tin tín hiệu đường sắt để trồng cây lâu năm...

 

Một trường hợp vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt.

Một trường hợp vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt.


Ông Nguyễn Minh Long - Phó Giám đốc Chi nhánh Công ty Cổ phần Thông tin tín hiệu đường sắt Sài Gòn - Xí nghiệp Thông tin tín hiệu Phú Khánh cho biết, hệ thống đường dây và cột tín hiệu thông tin có 2 nhiệm vụ chính: đảm bảo xuyên suốt thông tin liên lạc của ngành Đường sắt; đảm bảo tín hiệu của đèn cảnh báo trên dọc tuyến đường sắt, các đoạn đường giao với đường ngang dân sinh. Khi hệ thống bị gián đoạn, gặp sự cố, dễ dẫn đến các rủi ro về an toàn giao thông đường sắt.


Vì có sự chồng lấn giữa phần đất của người dân đã xây nhà và hành lang đường sắt, việc duy tu, bảo trì hệ thống đường dây và các trang thiết bị gặp không ít khó khăn. Với các cột tín hiệu nằm trong phần đất người dân, mỗi khi làm công tác duy tu, các kỹ thuật viên phải liên hệ chủ nhà để xin vào, nếu không liên hệ được sẽ rất khó làm việc. Có cả trường hợp cột tín hiệu được sử dụng kéo đường dây điện để cấp điện cho một số doanh nghiệp gây mất an toàn đường dây và công tác duy tu. Ngoài ra, khi đơn vị quản lý đường dây đến làm việc thì người dân không phối hợp vì liên quan đến đất đai. Nhiều nhà đã có sổ đỏ, có giấy phép xây dựng nên rất khó làm việc. “Thậm chí có trường hợp đơn vị bị kiện vì chồng lấn giữa phần đất của người dân và phần đất thuộc hành lang bảo vệ đường dây. Chính vì thế, công tác duy tu và vận hành gặp không ít bất cập. Vì vậy, cần có sự giám sát, ngăn chặn sớm của chính quyền các địa phương đối với những trường hợp vi phạm, vì khi đã hoàn thành thì việc xử lý rất khó”, ông Long nói.


Trước tình trạng trên, UBND tỉnh đã có công văn gửi các địa phương và cơ quan chức năng về việc xử lý vi phạm, đảm bảo an toàn giao thông đường sắt. Mong rằng, thời gian tới, việc xử lý vi phạm, tránh phát sinh các trường hợp mới tại các địa phương sẽ được các cấp, ngành và địa phương quan tâm, xử lý quyết liệt nhằm đảm bảo an toàn đường dây và cột thông tin tín hiệu đường sắt, giảm thiểu rủi ro với giao thông đường sắt.


HẠ PHONG
 

Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp