Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ [email protected], cảm ơn !

Tôm hùm có cần giải cứu?

Chủ nhật - 23/02/2020 04:26
Nếu tôm hùm xanh bán giá 750.000-950.000 đồng/kg thì người bán thu lời lớn. Người mua không biết phân biệt rất dễ bị nhầm với tôm hùng bông.
Tôm hùm có cần giải cứu?

8h sáng, chị Lê Thu Hằng (ngụ xã Vĩnh Lương, TP Nha Trang) cùng chồng thuê ôtô tải chở các thùng xốp đóng gói tôm hùm ra một đại lý xe rồi gửi vào Sài Gòn, để kịp bán và giao cho khách đã đặt hàng.

“Em gái mình đang mở điểm bán bán tôm hùm giải cứu trong quận Bình Thạnh, TP.HCM, được hơn tuần nay rồi. Bán chạy lắm, cứ vài ngày lại chuyển vào trong một chuyến, mình ở nhà phụ giúp gom tôm gửi vào”, chị Hằng chia sẻ.

Những ngày qua, phong trào "giải cứu tôm hùm" rộ lên trên khắp cả nước. Hàng chục điểm bán tôm “giải cứu” được mở ra với mức giá dao động từ 550.000 đến 850.000 đồng/kg.

Đợt này chị Hằng gửi 70 kg tôm hùm vào Sài Gòn. “Giá mua tại Ninh Hòa đã 550.000/kg, vào trong Sài Gòn bán lại 750.000/kg, trừ chi phí cũng có lời chút ít”, chị Hằng nói và cho biết loại gửi vào TP.HCM là tôm hùm xanh, đủ các size từ 200 đến 300 gram/con.

Nhầm lẫn dễ khiến người mua "tưởng rẻ hóa đắt"

Tại Nha Trang cũng xuất hiện nhiều điểm giải cứu tôm hùm với phương thức thu gom tôm về nhà, sau đó bán hàng thông qua mạng xã hội.

Một vài người chọn cách mang tôm ra các ngã ba, ngã tư để chào bán, các chậu nhựa được sục khí, tôm nhảy tanh tách rất hút khách mua.

Tom hum co can giai cuu? hinh anh 1 372fc6d6197ae124b86b.jpg

Loại đang giải cứu là tôm hùm xanh. Ảnh: An Bình.

“Một ngày bán chừng 30 kg tôm. Giá cả tùy vào trọng lượng, nếu 2-3 con/kg giá 650.000 đồng, còn 4 con/kg thì rẻ hơn chút đỉnh”, chị Loan, người bán tôm hùm "giải cứu" trước cổng chợ Phương Sài nói và cho biết chưa bao giờ tôm hùm giá này mà bán chạy như vậy.

Có 2 loại tôm hùm phổ biến mà ngư dân đang nuôi là tôm hùm xanh và tôm hùm bông. Giá 2 loại này chênh nhau rất nhiều

Chị Nguyễn Thị Thúy (ngụ xã Vĩnh Hiệp) thì chia sẻ thấy tôm rẻ hơn trước đây, lại đang tươi nên mua, cũng là để giúp ngư dân khi nghe tin vì dịch Covid-19 nên Trung Quốc không nhập tôm, khiến tôm tồn đọng nhiều.

Trong khi đó, anh Hùng, chủ một nhà hàng hải sản ở Nha Trang, lưu ý việc có nhiều loại tôm hùm, nếu không biết phân biệt rất dễ bị nhầm lẫn dẫn đến mua không đúng giá.

Theo chủ cửa hàng này, hiện có 2 loại phổ biến mà ngư dân đang nuôi là tôm hùm xanh và tôm hùm bông, giá 2 loại này chênh nhau rất nhiều. Tôm hùm xanh loại lớn nhất cũng chỉ có giá chưa tới 1 nửa so với tôm hùm bông loại nhỏ nhất.

Cụ thể, tôm hùm bông loại 500-700 gram/con giá 1,55 triệu đồng/kg; 0,8-1 kg có giá 1,75 triệu đồng/kg; 1,5-1,8 kg/con giá 2,5 triệu đồng/kg; còn 1,8 đến 4 kg/con có giá 2,8 triệu đồng/kg.

Với tôm hùm xanh, nếu 2-3 con/kg thì giá 750.000 đồng, 4-5 con/kg giá chỉ 550.000-650.000 đồng.

“Giá này là thời điểm trước khi có dịch Covid-19. Hiện giá thu mua tôm hùm xanh tại các vựa có giảm nhẹ, từ 50.000 đến 100.000 đồng, nhưng không quá thấp so với thời gian trước", anh Hùng cho hay.

Tom hum co can giai cuu? hinh anh 2 0bf5f5e02e4cd6128f5d.jpg

Người nuôi tôm bắt loại size lớn bán để giảm bớt chi phí, lấy tiền duy trì đàn còn lại. Ảnh: An Bình.

Cũng theo anh, mấy năm nay khách từ Trung Quốc đến Nha Trang - Khánh Hòa tăng cao, lại thích ăn sản nên giá tôm hùm tăng theo. Tuy nhiên, loại tôm du khách thường ăn là tôm hùm xanh vì có giá rẻ.

"Đọc trên mạng xã hội và báo thấy tôm hùm xanh có giá từ 750.000-950.000 đồng/kg, nếu đúng thì người bán tôm hùm xanh thu lời lớn", anh Hùng nói. Theo anh, khó tránh khỏi việc người bán lợi dụng khách hàng không phân biệt các loại tôm nên cố tình lập lờ giá cả khi chào bán.

"Bán giá hiện tại chưa phải bù lỗ"

Tại vùng nuôi tôm hùm ở TP Cam Ranh, Khánh Hòa, những ngày này người nuôi thấp thỏm vì tôm hùm tiêu thụ chậm.

“Tôm tồn nhiều lắm vì thương lái không thu mua. Bây giờ bà con ra biển mang theo thùng xốp, có người lấy 10 kg, người 50 kg để bán dần”, ông Trương Phú Điệp, ngụ phường Cam Linh, TP Cam Ranh nói và cho biết tôm lớn không xuất bán mà để trong lồng sẽ chết.

Tom hum co can giai cuu? hinh anh 3 8fbc90d44e78b626ef69.jpg

Người nuôi cho biết tôm hùm xanh đến kỳ không xuất bán sẽ gia tăng chi phí tiền thức ăn, công chăm sóc nên dẫn đến thua lỗ. Ảnh: An Bình.

Ông Trần Văn Lực (ngụ TP Cam Ranh), cho biết tôm lớn phải xuất nhưng tiêu thụ chậm khiến chi phí tăng cao, dẫn đến nguy cơ lỗ vốn.

Nhưng theo các hộ nuôi tôm, hiện giá bán tại lồng đang dao động 550.000-600.000 đồng/kg (loại 200 gram/con). Với giá này hiện họ chưa phải bù lỗ. “Giá bán này sẽ có lời nếu chúng tôi không thuê nhân công. Còn thuê nhân công thì chỉ lời ít”, một người nuôi tôm cho hay.

Hiện chưa phải là mùa thu hoạch chính vụ của tôm hùm xanh. Các chủ lồng nuôi chỉ xuất bán loại có size lớn để giảm chi phí

Ngoài ra, thời điểm này chưa phải là mùa thu hoạch chính vụ của tôm hùm xanh, nên các chủ lồng nuôi chỉ xuất bán loại có size lớn để giảm chi phí nuôi. Trong khi một số ít chủ lồng chọn cách bán ngang (không phân biệt lớn nhỏ) với giá 440.000-470.000 đồng/kg để giảm số lượng tôm trong lồng và cũng để lấy tiền duy trì số tôm còn lại.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó chủ tịch UBND TP Cam Ranh, cho biết việc tồn đọng tôm hùm xanh trên địa bàn là có.

“Chúng tôi đang kêu gọi các thương lái, vựa tôm thu mua tôm hùm lớn trên địa bàn tích cực tìm các thị trường trong nước thu mua tôm hùm tồn đọng cho người dân. Trong đó, chú trọng vào các chuỗi siêu thị, nhà hàng ở các thành phố lớn như TP.HCM và Hà Nội”, ông Sơn nói.

Phân biệt tôm hùm xanh và tôm hùm bông

Theo một cán Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Khánh Hòa, Việt Nam có nhiều loại tôm hùm gồm: Tôm hùm bông, tôm hùm sen, tôm hùm gai, tôm hùm xanh...

Để phân biệt tôm hùm bông và xanh chỉ cần nhìn bên ngoài. Tôm hùm bông (còn gọi là tôm hùm sao) quý hiếm, thân có màu sáng, vỏ có các họa tiết như bông hoa, màu vàng óng. Còn tôm hùm xanh có màu xanh nước biển và họa tiết không nhiều như tôm hùm bông và loại này được nuôi chủ yếu để xuất sang Trung Quốc.

Về giá trị, cán bộ này cho biết tôm hùm bông cho giá trị dinh dưỡng cao nhất, ăn vị ngọt, thơm hơn. Còn tôm hùm xanh giá trị dinh dưỡng ít hơn và dễ nuôi hơn.

Bộ trưởng Nông nghiệp nói gì về việc ‘giải cứu’ dưa hấu, tôm hùm?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ dễ dẫn đến rủi ro. Ông mong muốn các hộ sản xuất nhỏ lẻ liên kết lại theo mô hình hợp tác xã kiểu mới.

Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp