Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ info@tintuckhanhhoa.com, cảm ơn !

Thủ đoạn lừa đảo mới: Chuyển tiền "nhầm"

Thứ ba - 04/01/2022 10:31
Thông thường, những kẻ lừa đảo tài sản thường đánh vào lòng tham của nạn nhân. Thế nhưng gần đây, chúng lại nghĩ ra thủ đoạn tinh vi, đánh vào tâm lý cả tin hoặc thiếu hiểu biết về quy định pháp luật để lừa đảo nạn nhân mà không cần tiếp xúc…  Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Thủ đoạn lừa đảo mới: Chuyển tiền "nhầm"
Thông thường, những kẻ lừa đảo tài sản thường đánh vào lòng tham của nạn nhân. Thế nhưng gần đây, chúng lại nghĩ ra thủ đoạn tinh vi, đánh vào tâm lý cả tin hoặc thiếu hiểu biết về quy định pháp luật để lừa đảo nạn nhân mà không cần tiếp xúc… 
 
Thời gian gần đây, trên các trang mạng xã hội  đã thông tin về một thủ đoạn lừa đảo khá tinh vi. Đó là việc chuyển nhầm tài khoản để lừa đảo khiến ngay cả những người khá cảnh giác cũng có thể mắc mưu.
 
Trên thực tế, cơ quan công an ở nhiều địa phương trên cả nước đã vào cuộc để xử lý những trường hợp chuyển nhầm tiền để lừa đảo. Thông thường những kẻ lừa đảo sẽ có thông tin tài khoản của nạn nhân rồi chuyển tiền vào đó. Sau đó, tùy vào từng trường hợp mà kẻ lừa đảo sẽ có những cách thức thủ đoạn khác nhau. Tâm lý chung của người nhận tiền nhầm là không hiểu số tiền này là của ai chuyển cho mình. Nếu ai cảnh giác thì gọi ngân hàng xác minh và báo rõ ràng sự việc. Nhưng cũng có những người sử dụng luôn số tiền đó mà chẳng nghi ngờ gì. Lúc này, những kẻ lừa đảo mới bắt đầu giở chiêu trò. 

 

1
Ảnh minh họa.
 
 
Trường hợp thứ nhất, đó có thể là bằng chứng để những kẻ cho vay nặng lãi đe dọa cưỡng ép đòi lại tiền với lãi suất cao. Chẳng hạn trên nội dung chuyển tiền cho ông A. chúng ghi các nội dung mập mờ dạng: “Cho A vay trong 40 ngày”. Như vậy sau thời hạn trên, chủ tài khoản đó sẽ xuất hiện và đòi khoản tiền đã chuyển cùng lãi suất “trên trời”. Nếu ông A. không trả, họ sẽ cho người tới quấy phá và đưa ra bằng chứng chuyển tiền cho vay trên điện thoại. Hoặc có trường hợp, đồng bọn của chủ tài khoản chuyển tiền nhầm gọi điện năn nỉ người được chuyển tiền chuyển lại số tiền bị chuyển nhầm với các lý do cấp bách như: cấp cứu người thân hoặc đóng học phí cho con... Nếu nạn nhân tưởng thật hoặc giả có nghi ngờ gì thì chúng sẵn sàng cung cấp các thông tin thật về chủ tài khoản để nạn nhân gọi ngân hàng kiểm tra. Nếu nạn nhân chuyển tiền cho tài khoản mà chúng cung cấp thì coi như đã mất oan số tiền trên bởi vì sau đó chủ tài khoản thật sẽ xuất hiện và danh chính ngôn thuận đòi lại số tiền trên qua ngân hàng.
 
Một kịch bản nữa là chúng chuyển nhầm một khoản tiền nhỏ để tránh bị nghi ngờ. Sau đó chúng gọi điện nói rằng đang ở nước ngoài nên nhờ nạn nhân chuyển lại bằng cách đăng nhập vào dịch vụ chuyển tiền quốc tế qua một đường link. Nếu người này làm theo lời chúng và nhập các thông tin thì chủ tài khoản sẽ bị hack, mất sạch tiền trong tài khoản. Một thủ đoạn tương tự và tinh vi hơn là các đối tượng lừa đảo lập ra trang web giả mạo ngân hàng, có giao diện khá giống với website của ngân hàng. Sau đó chuyển khoản nhầm và đóng giả nhân viên ngân hàng hỗ trợ khắc phục sự cố chuyển nhầm, nhận nhầm. Khi bị hại tin thật, chúng gửi đường link để họ đăng nhập vào trang web giả mạo để chiếm đoạt thông tin, chiếm đoạt tiền trong tài khoản thật của khách hàng.
 
Theo điều 228 về xác lập quyền sở hữu đối với tài sản vô chủ, tài sản không xác định được chủ sở hữu, điều 230 về xác lập quyền sở hữu đối với tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên được quy định tại Bộ luật Dân sự 2015, số tiền chuyển nhầm trên là một dạng tài sản bị thất lạc nên người được chuyển nhầm dù chiếm hữu được số tiền đó nhưng chỉ được xem là người đang chiếm hữu tài sản không có căn cứ pháp luật. Và theo Điều 579 về nghĩa vụ hoàn trả Bộ luật Dân sự 2015 thì người chiếm hữu, người sử dụng tài sản của người khác mà không có căn cứ pháp luật phải hoàn trả cho chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản đó; nếu không tìm được chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản thì phải giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trong trường hợp này thì người được chuyển nhầm phải báo cho ngân hàng biết để trả loại cho người chuyển tiền. 
 
Tuy nhiên, nhiều người có thể chưa rõ quy định này nên có thể mắc vào bẫy của những kẻ lừa đảo. Họ không tham số tiền trên nhưng lại cả tin khi chuyển tiền lại mà không thông qua ngân hàng hoặc sơ hở để kẻ xấu chiếm đoạt thông tin cá nhân về tài khoản. 
 
Khi chủ tài khoản bỗng dưng nhận được một khoản tiền “chuyển nhầm” cho mình thì không được sử dụng số tiền ấy vào việc chi tiêu cá nhân mà phải chủ động liên hệ với ngân hàng để thông báo. Nếu đó là tiền chuyển nhầm thật ngân hàng sẽ liên hệ để xử lý. Người dân tuyệt đối không chuyển hoàn cho người lạ hoặc chuyển hoàn trả vào một tài khoản khác với tài khoản đã chuyển cho mình. Đặc biệt không bao giờ cung cấp mã OTP, tên đăng nhập, password của tài khoản ngân hàng cho bất cứ ai… 
 
L.M
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp