Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ info@tintuckhanhhoa.com, cảm ơn !

Quan tâm giáo dục lý tưởng, đạo đức cho học sinh

Chủ nhật - 27/09/2020 13:50
Thực hiện Quyết định số 1501 của Thủ tướng Chính phủ về "Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015 - 2020", 5 năm qua, ngành Giáo dục tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động đa dạng, thiết thực và hiệu quả. Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Quan tâm giáo dục lý tưởng, đạo đức cho học sinh

Thực hiện Quyết định số 1501 của Thủ tướng Chính phủ về “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015 - 2020”, 5 năm qua, ngành Giáo dục tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động đa dạng, thiết thực và hiệu quả.


Đa dạng hoạt động


Công tác giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống cho học sinh (HS) được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các nhà trường. Những tiết sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt chi đội, sinh hoạt măng non ngày càng được đổi mới, gắn với phong trào “Nói lời hay, làm việc tốt”, “Mỗi tuần một câu chuyện đẹp, một cuốn sách hay, một tấm gương sáng”. Nhiều trường đã tổ chức hành trình “Em yêu Tổ quốc Việt Nam”, đưa HS đến thăm các địa chỉ đỏ, thăm Bà mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình có công với cách mạng. Điển hình như: Trường THPT Nguyễn Thiện Thuật (TP. Nha Trang) đã tổ chức cho HS toàn trường tham quan học tập tại Khu căn cứ địa Đồng Bò (TP. Nha Trang), Di tích tàu không số (thị xã Ninh Hòa); Trường THCS Âu Cơ (TP. Nha Trang) tổ chức cho HS tham quan tại Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh (TP. Nha Trang) và Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma (huyện Cam Lâm)… Những hoạt động đó đã góp phần giáo dục HS về lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc và chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

 

Học sinh Trường THCS Âu Cơ tham quan Khu tưởng niệm Bác Hồ.

Học sinh Trường THCS Âu Cơ tham quan Khu tưởng niệm Bác Hồ.


Nhằm tạo môi trường, động lực để HS thi đua phấn đấu học tập, rèn luyện, ngành Giáo dục tỉnh đã triển khai các cuộc thi như: “Tuổi trẻ học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Giai điệu tuổi hồng”, “Kể chuyện Bác Hồ”, phong trào “Thiếu nhi Khánh Hòa thi đua làm theo 5 điều Bác Hồ dạy”. Các đoàn trường tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi, thu hút đông đảo HS tham gia như: Phong trào “Học sinh 3 rèn luyện”, “Sinh viên 5 tốt”, chương trình “Khi tôi 18”, các phong trào xung kích, tình nguyện vì cộng đồng, đền ơn đáp nghĩa, hiến máu tình nguyện, rèn luyện sức khỏe theo gương Bác Hồ vĩ đại. Các chương trình như: Tháng Thanh niên, Chiến dịch tình nguyện hè, Vì chủ quyền biển đảo, Khi Tổ quốc cần; hay các cuộc vận động: Tuổi trẻ sống đẹp, sống có ích; Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới... đã trở thành môi trường tốt để giáo dục, rèn luyện HS.


Ngoài các phong trào, hoạt động bề nổi, các trường còn chú trọng giáo dục HS từ những việc làm thường xuyên như: Tổ chức cho các em trực tiếp lao động, vệ sinh trường lớp thêm sạch đẹp, chăm sóc bồn hoa, cây cảnh trong khuôn viên trường, duy trì việc hát Quốc ca trong các lễ chào cờ sáng thứ Hai hàng tuần... Ngoài các bài học môn Đạo đức, Giáo dục công dân, nhiều nội dung giáo dục HS còn được tuyên truyền lồng ghép trong các buổi sinh hoạt tập thể của nhà trường, các buổi phát thanh măng non, phát thanh thanh niên, giờ sinh hoạt lớp. 100% trường tiểu học, THCS và THPT trên địa bàn tỉnh đã ban hành quy tắc ứng xử văn hóa trong nhà trường…  


Gắn kết gia đình, nhà trường và xã hội


Ông Lê Đình Thuần - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo đánh giá, đa số HS đều có lý tưởng phấn đấu, động cơ học tập nghiêm túc, có đạo đức, lối sống văn hóa, lành mạnh. Những năm gần đây, số lượng HS vi phạm từ mức khiển trách trở lên giảm nhiều. Các thầy cô giáo ngày càng chú ý đến việc nêu gương cho HS noi theo. Tuy vậy, vẫn còn một bộ phận HS vi phạm các chuẩn mực đạo đức, lối sống. Trong môi trường mạng hiện nay, các em càng dễ bị tác động, ảnh hưởng nếu không được định hướng, uốn nắn kịp thời.


Theo ông Lê Đình Thuần, để việc giáo dục đạo đức, lối sống HS hiệu quả hơn, nhà trường cần đổi mới phương pháp giảng dạy các môn Đạo đức, Giáo dục công dân theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học; phát huy tính tích cực của HS. Đồng thời, chú trọng đến các hoạt động cụ thể, mang tính trải nghiệm, thực hành. Hàng năm, các trường cần tổ chức tốt việc đối thoại với thanh niên để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các em. Bên cạnh nỗ lực của ngành Giáo dục, cần phải có sự gắn kết chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội. Nhà trường có nhiệm vụ uốn nắn hành vi của HS theo chuẩn mực chung; gia đình là nền tảng để HS hình thành phẩm chất đạo đức; môi trường xã hội góp phần giúp các em bồi đắp, nuôi dưỡng lý tưởng sống đúng đắn.  


H.Ngân

 

Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp