Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ info@tintuckhanhhoa.com, cảm ơn !

NHỨC NHỐI GIÁO DỤC ĐẦU NĂM HỌC: Điều hành tùy hứng, khó hiểu

Thứ tư - 13/09/2017 23:16
Nắm quyền trong tay nhưng lại lúng túng trong điều hành, ngành giáo dục và chính quyền địa phương 'xoay' giáo viên đến chóng mặt

Hơn nửa năm kể từ ngày tổ chức xét tuyển giáo viên (GV) bậc THPT, đầu tháng 9 vừa qua, Hội đồng Xét tuyển (HĐXT) viên chức ngành giáo dục tỉnh Quảng Nam mới công bố kết quả. Nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ này được xác định là do HĐXT lúng túng trong lần đầu tổ chức.

Mở tiệc ăn mừng… hụt

Trước đó, ngày 22-2, tỉnh Quảng Nam tổ chức đồng thời kỳ thi tuyển và xét tuyển viên chức ngành giáo dục. Nếu như thi tuyển được đánh giá diễn ra công bằng, khách quan và đã có kết quả chỉ sau hơn 2 tháng thì kỳ xét tuyển viên chức bậc THPT kéo dài hơn nửa năm với những chuyện lùm xùm liên tiếp xảy ra. Cụ thể, khi HĐXT công bố điểm xét tuyển vào ngày 28-4, một số GV phát hiện điểm do HĐXT công bố được tính không đúng theo quy định tại Nghị định 29/2012/NĐ-CP nên đã tập trung phản ứng, buộc HĐXT phải xác minh và tính lại.

 

Ngày 27-7, một nhóm GV gồm 17 người khác lại kéo đến trụ sở Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Quảng Nam bày tỏ bức xúc. Họ cho rằng trước đó, HĐXT công bố điểm rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, điểm được xếp theo thứ tự từ cao xuống thấp nên nhiều người nghĩ đã trúng tuyển và mở tiệc ăn mừng. Tuy nhiên sau đó, HĐXT lại thông báo rằng điểm đã công bố là không chính xác. Những GV trên cho rằng HĐXT không nắm rõ luật dẫn đến sai sót nên yêu cầu phải xin lỗi và có cách xử lý hợp tình hợp lý cho các thí sinh.

Tuy nhiên, cả ông Trần Đình Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - Chủ tịch HĐXT và ông Hà Thanh Quốc, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam - Phó Chủ tịch HĐXT, không thừa nhận có sai sót mà cho rằng văn bản của trung ương "không rõ ràng". Nhiều người đặt câu hỏi vì sao HĐXT với sự có mặt của phó chủ tịch UBND tỉnh và giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh cùng nhiều ban bệ của sở mà lại lúng túng đến vậy.

Liên quan đến việc này, một số người tham gia kỳ xét tuyển sau đó đã có tâm thư gửi đến lãnh đạo tỉnh Quảng Nam phản ánh về cách làm "không giống ai" của HĐXT. Trong cuộc họp gần đây, chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu Sở GD-ĐT và các cơ quan liên quan tổ chức rút kinh nghiệm. Tuy nhiên, kết quả vừa công bố khiến 17 trường hợp trước đây nghĩ đã đậu cảm thấy thất vọng dù họ không bất ngờ, bởi khi bị gọi lên nhận thông báo, họ đã biết chuyện chẳng lành đến với mình.

Mình thích thì mình chuyển thôi!

Một trường THCS "hạ" 4 GV xuống dạy mầm non và mấy tháng sau thì đề xuất xin thêm GV để trám chỗ các vị trí đã chuyển đi.

Chuyện ngược đời xảy ra tại Trường THCS Hà Bắc (xã Hà Bắc, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa). Vào tháng 1-2017, chủ tịch UBND huyện Hà Trung ra quyết định điều động 4 cán bộ, GV nằm trong diện dôi dư của trường xuống Trường Mầm non Hà Bắc công tác.

Lúc này, Trường THCS Hà Bắc vẫn còn thừa GV nên tiếp tục đề nghị huyện cho chuyển 1 GV văn xuống Trường Tiểu học Hà Bắc và 1 GV mỹ thuật đi liên trường (dạy cả tiểu học và THCS). Đến đầu năm học 2017-2018, trường đã đủ GV, không thừa cũng không thiếu.

Đến đầu tháng 9-2017, Trường THCS Hà Bắc lại xin tiếp nhận 1 GV từ nơi khác về khiến trường đang đủ trở nên dư GV. Nhiều GV cảm thấy bất bình khi người mới thay thế ngay vị trí GV trước đó đã chuyển đi.

Ông Lê Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường THCS Hà Bắc, xác nhận có sự việc trên. Do GV giỏi của trường bị luân chuyển hết nên trong năm 2017-2018, trường lại rất cần 1 GV cốt cán, đặc biệt là GV toán để bồi dưỡng cho học sinh giỏi. Vì vậy, trường mới đề xuất thêm người. Nói vậy nhưng ông Hải cũng không chắc GV mới về có giỏi như trường mong muốn hay không!

Theo báo cáo của Phòng GD-ĐT huyện Hà Trung, huyện này đang thừa hơn 100 biên chế giáo dục, trong đó cấp THCS và tiểu học dôi dư là chủ yếu. Trong năm 2016-2017, Hà Trung đã điều động được 20 GV (16 GV cấp THCS và 4 GV tiểu học) xuống các trường mầm non; năm 2017-2018 tiếp tục luân chuyển 11 GV từ THCS xuống tiểu học.

Chưa hết, việc luân chuyển còn dẫn đến hệ lụy dở khóc dở cười: nhiều GV đang dạy chuyên môn khi chuyển xuống mầm non không biết làm gì, dạy gì. Vì thế, họ chủ yếu được giao đi nấu ăn, đi chợ, rửa bát... nên cảm thấy buồn và tủi thân.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 12-9

Không được học trường công vì thiếu tên cha

Chị Phạm Thị Liên (SN 1981; quê tỉnh Ninh Bình; hộ khẩu thường trú tại phường Vĩnh Hải, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) vừa có đơn gửi cơ quan báo chí phản ánh năm học 2017-2018, chị nộp hồ sơ đến UBND phường Vĩnh Hải để cho con gái vào học trường mẫu giáo công lập. Tuy nhiên, khi phường niêm yết danh sách, tên con gái chị Liên không có với lý do không có tên cha trong hộ khẩu.

Chị Liên cho biết chủ tịch UBND phường Vĩnh Hải trả lời con chị thuộc tiêu chí 5, không có tên cha trong sổ hộ khẩu. Con chị bị loại ngay từ lúc nộp hồ sơ, không có tên trong danh sách được bốc thăm. Không có tên cha vì cha cháu ở quê chưa làm thủ tục nhập khẩu được. Trong khi đó, chị có hộ khẩu 8 năm ở phường Vĩnh Hải, con gái nhập sinh trên địa bàn - sinh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa. Việc không được đi học trường công lập vì lý do trên là không công bằng.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Lê Hàng Nhật Tuấn, Chủ tịch UBND phường Vĩnh Hải, khẳng định trường hợp này phường giải quyết đúng. "Tiêu chí 2 là hộ khẩu cùng với cha mẹ, trường hợp này hộ khẩu có mẹ, còn cha không chứng minh được. Trường hợp không có bố hoặc không có mẹ thì phải có lý do công tác ở xa hay thuộc bộ đội hoặc ở Trường Sa như thuộc tiêu chí 1" - ông Tuấn nói.

"Pháp luật Việt Nam không phân biệt điều kiện, hoàn cảnh, mọi người được bình đẳng về cơ hội học tập, vì vậy đi học là quyền đương nhiên con gái tôi được hưởng. Làm vậy thiếu công bằng với con tôi" - chị Liên bức xúc.K.Nam

 

Tác giả bài viết: TRẦN THƯỜNG - THANH TUẤN
Nguồn tin: www.baomoi.com
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp