Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ info@tintuckhanhhoa.com, cảm ơn !

Nha Trang: Nợ quá hạn tín dụng chính sách tăng

Thứ tư - 01/12/2021 20:57
Theo báo cáo của Ban đại diện HĐQT Ngân hàng Chính sách xã hội TP. Nha Trang, tính đến ngày 31-10, tổng nợ vốn tín dụng chính sách quá hạn và nợ khoanh của thành phố 6,3 tỷ đồng, tăng 1,1 tỷ đồng so với đầu năm. Toàn thành phố có 18 xã, phường tăng nợ quá hạn. Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Nha Trang: Nợ quá hạn tín dụng chính sách tăng

Theo báo cáo của Ban đại diện HĐQT Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) TP. Nha Trang, tính đến ngày 31-10, tổng nợ vốn tín dụng chính sách quá hạn và nợ khoanh của thành phố 6,3 tỷ đồng, tăng 1,1 tỷ đồng so với đầu năm. Toàn thành phố có 18 xã, phường tăng nợ quá hạn.


Nợ quá hạn còn cao


Xã Phước Đồng là địa phương có tổng dư nợ vốn tín dụng chính sách cao nhất trên địa bàn TP. Nha Trang với hơn 62,9 tỷ đồng, tăng 5,3 tỷ đồng so với đầu năm; có hơn 2.810 hộ vay còn dư nợ. Ông Nguyễn Tiến Luật - Phó Chủ tịch UBND xã Phước Đồng cho biết hiện có 50 hộ nợ quá hạn số tiền 688 triệu đồng, tăng so với năm 2020 (0,48%). Nguyên nhân do ảnh hưởng dịch, các hộ dân nằm trong vùng phong tỏa không đi làm được nên mấy tháng qua không có khả năng trả nợ. Bên cạnh đó, còn có một số hộ vay bỏ đi khỏi địa phương, sinh viên vay vốn sau khi ra trường chưa xin được việc làm... Địa phương đã kiến nghị NHCSXH tỉnh nghiên cứu khoanh nợ, lãi đối với các trường hợp nằm trong diện thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Chính phủ trong tháng 7, 8 và 9; tăng cường nguồn vốn vay giải quyết việc làm cho người dân trong xã khi “bình thường mới” để phục hồi sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập.  

 

Giải ngân vốn tín dụng chính sách tại xã Vĩnh Lương (TP. Nha Trang).

Giải ngân vốn tín dụng chính sách tại xã Vĩnh Lương (TP. Nha Trang).


Xã Vĩnh Phương cũng có tỷ lệ nợ quá hạn tăng so với đầu năm, chiếm 0,85% tổng dư nợ. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến nợ quá hạn của xã là hộ vay bỏ đi khỏi địa phương (chiếm 108 triệu đồng). Trên địa bàn thành phố có 18/27 xã, phường tăng nợ quá hạn; 9 xã, phường có nợ quá hạn giảm. Nguyên nhân của tình trạng nợ quá hạn cao là hộ vay vắng mặt tại nơi cư trú, ảnh hưởng của dịch bệnh đến thu nhập của các hộ vay, một số khoản nợ chây ỳ chưa có giải pháp xử lý triệt để…


Cần các giải pháp xử lý hiệu quả

 

Theo báo cáo của Ban đại diện HĐQT NHCSXH TP. Nha Trang, đến ngày 31-10, tổng dư nợ vốn tín dụng chính sách trên địa bàn 543,7 tỷ đồng, tăng 8,2% so với đầu năm. Từ đầu năm đến nay, NHCSXH đã giải ngân cho 3.523 khách hàng với doanh số đạt 135,5 tỷ đồng. Tổng nợ quá hạn và nợ khoanh 6,3 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 1,16%), tăng 1,1 tỷ đồng so với đầu năm.

Tại buổi làm việc với Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh vừa qua, ông Lưu Thành Nhân - Phó Chủ tịch UBND TP. Nha Trang, Trưởng ban đại diện HĐQT NHCSXH thành phố cho biết, trong tháng 10, thành phố đã họp ban đại diện để đánh giá tình hình, những khó khăn, tồn tại trong hoạt động quản lý vốn tín dụng chính sách. Thành phố đã chỉ đạo các xã, phường báo cáo những khó khăn, tồn tại cho Đảng ủy địa phương để đưa vào nghị quyết lãnh đạo hàng tháng; các đoàn thể cùng phối hợp để tháo gỡ khó khăn. Thành phố cũng kiến nghị lãnh đạo tỉnh chỉ đạo Công an tỉnh có văn bản chỉ đạo công an thành phố và các xã, phường phối hợp điều tra, rà soát, nắm bắt, quản lý hộ vay đi khỏi nơi cư trú; cơ quan thuế, Bảo hiểm xã hội phối hợp cung cấp thông tin kịp thời về tình hình khách hàng, người lao động vay vốn tại NHCSXH có tham gia bảo hiểm xã hội, thông tin kê khai thuế thu nhập, phục vụ công tác triển khai cho vay các chương trình tín dụng và công tác quản lý, xử lý nợ của NHCSXH.


Qua làm việc, ông Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh yêu cầu Ban đại diện HĐQT NHCSXH TP. Nha Trang, các xã, phường tập trung chỉ đạo, phân tích, xử lý hiệu quả các khoản nợ quá hạn, lãi tồn đọng; kiểm soát chặt chẽ các trường hợp hộ vay chuyển địa chỉ sinh sống, phối hợp với công an tra cứu dữ liệu để nắm bắt thông tin nơi hộ vay chuyển đến và có giải pháp xử lý kịp thời. Trường hợp hộ vay không có thông tin, địa chỉ trên 2 năm thì xem xét xử lý nợ rủi ro theo quy định. Tổ tiết kiệm và vay vốn là nhân tố quan trọng quyết định chất lượng hoạt động tín dụng nên thành phố cần có giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ; thường xuyên kiểm tra, giám sát, quản lý hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn. Ông Lê Hữu Hoàng cũng đề nghị TP. Nha Trang tổ chức buổi trao đổi chuyên đề về xử lý nợ quá hạn để rà soát, phân tích các nguyên nhân khó khăn, tồn tại và đưa ra các giải pháp khắc phục hiệu quả hơn.


MAI HOÀNG

 

Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp