Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ info@tintuckhanhhoa.com, cảm ơn !

Mô hình dưa lưới cho thu nhập cao

Thứ hai - 17/02/2020 11:45
Với hiệu quả kinh tế đã được chứng minh, mô hình dưa lưới ở xã Diên Tân, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa cho người dân thêm sự lựa chọn trong quá trình chuyển đổi cây trồng. Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Mô hình dưa lưới cho thu nhập cao

Với hiệu quả kinh tế đã được chứng minh, mô hình dưa lưới ở xã Diên Tân, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa cho người dân thêm sự lựa chọn trong quá trình chuyển đổi cây trồng.


Đưa công nghệ cao đến vùng đất khó


Diên Tân là xã miền núi của huyện Diên Khánh, đời sống người dân nơi đây còn nhiều khó khăn. Phần lớn diện tích sản xuất nông nghiệp của xã là đất ven đồi, cây trồng phổ biến nhất là mía và keo. Một số diện tích được hưởng lợi từ hạ du của 2 hồ chứa nước Cây Sung và Láng Nhớt được người dân trồng cây hàng năm, chủ yếu là lúa. Nhưng với tổng dung tích của cả 2 hồ chứa chưa đầy 2,6 triệu m3, những năm gần đây, hoạt động trồng lúa gặp không ít khó khăn do hạn hán, thiếu nước. Cây mía, keo trong điều kiện hiện nay cũng không phải là cây trồng có thể làm giàu.

 

Dưa lưới từ mô hình phát triển tốt.

Dưa lưới từ mô hình phát triển tốt.


Khi điều kiện tự nhiên, thời tiết không thuận lợi, nhu cầu chuyển đổi cây trồng của người dân nơi đây trở nên bức bách. Trước thực tế đó, cuối năm 2019, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh đã đưa về đây mô hình trồng dưa lưới an toàn trong nhà màng. Sở dĩ đơn vị chọn xã Diên Tân vì nơi đây có 1 hộ nông dân đã đầu tư hệ thống nhà màng rộng 1.000m2 nhưng chưa biết trồng cây gì. Vì vậy, tháng 11-2019, chi cục đã phối hợp với địa phương và hộ nông dân này (ở thôn Đá Mài) triển khai mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng.


Trong mô hình, dưa lưới được trồng hàng kép với mật độ hàng cách hàng 1,4m, cây cách cây 40cm. Với 1.000m2 có thể trồng từ 2.500 đến 3.000 cây (mô hình áp dụng mật độ 2.500 cây). Sau khi trồng được 7 - 10 ngày, bắt đầu treo dây cố định cây, đến giai đoạn ra hoa tiến hành thụ phấn bằng ong hoặc thụ phấn thủ công cho dưa lưới. Khi đã đậu quả, mỗi cây chỉ để lại 1 - 2 quả. Khi quả có đường kính từ 2 đến 4cm tiến hành hãm ngọn, tỉa quả, lúc này chỉ để lại mỗi cây 1 quả để cây tập trung dinh dưỡng nuôi quả. Toàn bộ quá trình trồng, chăm sóc, thụ phấn, chăm quả cho đến khi thu hoạch kéo dài từ 70 đến 75 ngày. Phương pháp thu hoạch là hái quả, nhổ bỏ cây, tiến hành xử lý đất, vệ sinh nhà lưới cho vụ trồng tiếp theo.


Kết quả của mô hình cho thấy, với mỗi cây chỉ lấy 1 quả, trung bình 1 quả nặng 1,5kg, với giá bán hiện tại được thương lái thu mua tại vườn 45.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí giống, phân bón, thuốc BVTV và công lao động hơn 62 triệu đồng/vụ, 1.000m2 dưa lưới cho thu nhập hơn 50 triệu đồng/vụ.


Cần sự hỗ trợ


Theo bà Nguyễn Ngọc Ánh - cán bộ Phòng BVTV, Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh (đơn vị triển khai mô hình), kết quả mô hình cho thấy dưa lưới sinh trưởng, phát triển tốt, phù hợp với điều kiện thời tiết và đặc điểm nông sinh học của giống. Đây là mô hình mới, hàng chục hộ lân cận đã đến tìm hiểu, học tập trực tiếp tại vườn. Chất lượng dưa lưới được người dân đánh giá thơm ngon, mẫu mã đẹp và an toàn do được trồng trong nhà màng, hạn chế sử dụng thuốc BVTV. Ngoài ra, mô hình còn góp phần thay đổi nhận thức, tư duy, cách làm của nông dân trong việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao trong sản xuất để nâng cao giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích theo hướng bền vững.


Sau 75 ngày vun trồng trên diện tích chỉ 1.000m2, có thể cho thu nhập tới 50 triệu đồng, đây là con số đáng mơ ước đối với nhiều hộ nông dân, đặc biệt là ở những nơi còn nhiều khó khăn như xã Diên Tân. Tuy vậy, để đạt được con số này, rất nhiều vấn đề cần được hoàn thiện. Bên cạnh sự nỗ lực của người dân cần có sự hỗ trợ, đầu tư từ Nhà nước. Bởi, thứ nhất, dưa lưới không cần quá nhiều nước tưới, nhưng lại cần nước liên tục theo hình thức nhỏ giọt. 2 hồ chứa nước kể trên, hầu như mùa khô nào cũng kiệt nước, không đảm bảo dưa lưới có thể trồng trọt quanh năm ở khu vực này. Vì vậy, việc triển khai mô hình phải được thực hiện ở những nơi có thể chủ động được nước tưới quanh năm. Thứ hai, theo bà Phan Thị Ngọc Thảo - Chủ tịch Hội Nông dân xã Diên Tân, người dân khó có thể tiếp cận được mô hình do chi phí đầu tư nhà màng khá cao. Qua tính toán, nhà màng hiện đại cần đầu tư khoảng 1,2 - 1,5 tỷ đồng (mô hình đang sử dụng loại nhà màng này), hoặc chi phí 200 - 300 triệu đồng cho 1.000m2 nhà màng loại đơn sơ, sử dụng cọc tre. Đây là số tiền quá lớn đối với đa số người dân Diên Tân. Một số hộ cho biết, có thể đầu tư nhưng lại lo ngại đầu ra. Nếu có được doanh nghiệp thu mua theo dạng hợp đồng lâu dài, ổn định, tin rằng sẽ có nhiều hộ nông dân mạnh dạn đầu tư.


Công Định




 

Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp