Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ [email protected], cảm ơn !

Mã số vùng trồng: Chìa khóa cho nông sản xuất khẩu

Thứ năm - 10/06/2021 12:39
Để xuất khẩu nông sản chính ngạch, nhiều nước trên thế giới yêu cầu nông sản phải có mã số vùng trồng. Việc thúc đẩy các tổ chức, cá nhân đăng ký mã số vùng trồng là điều cần thiết để rộng đường xuất khẩu nông sản. Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Mã số vùng trồng: Chìa khóa cho nông sản xuất khẩu

Để xuất khẩu nông sản chính ngạch, nhiều nước trên thế giới yêu cầu nông sản phải có mã số vùng trồng. Việc thúc đẩy các tổ chức, cá nhân đăng ký mã số vùng trồng là điều cần thiết để rộng đường xuất khẩu nông sản.


Gần 4.066ha xoài được cấp mã số


Theo ông Lê Bá Ninh - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), trên địa bàn tỉnh, Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN-PTNT đã cấp 17 mã số vùng trồng cho các cá nhân, tổ chức sản xuất xoài với diện tích gần 4.066ha để xuất khẩu sang thị trường: Úc, New Zealand, Hoa Kỳ, Trung Quốc và 1 mã số cơ sở đóng gói xoài để xuất khẩu sang Trung Quốc. Các vùng trồng xoài có diện tích lớn đã được cấp mã số là: Cam Hải Tây (975ha), Cam Thành Bắc (865ha), Suối Tân (745ha), Cam Đức (667ha), Cam Hòa (616ha) - huyện Cam Lâm…

 

Người dân Cam Lâm chăm sóc xoài.

Người dân Cam Lâm chăm sóc xoài.


Ông Trần Thiện Hùng - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, mã số vùng trồng là mã số định danh cho một vùng trồng trọt nhằm theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất, chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Việc cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói đang được triển khai thực hiện theo quy định, yêu cầu của nước nhập khẩu. Đối với từng thị trường khác nhau, các quy định liên quan đến cấp mã số vùng trồng có thể khác nhau nhưng tựu trung, việc cấp, quản lý và giám sát vùng trồng đã được cấp mã số là để bảo đảm truy xuất được đến từng vùng trồng, cơ sở đóng gói về những loại sinh vật gây hại phát hiện trên vùng trồng, các biện pháp quản lý sinh vật gây hại đã được sử dụng, đặc biệt là ghi nhận về những loại thuốc bảo vệ thực vật, phân bón đã sử dụng. Chỉ các loại nông sản, nhất là trái cây tươi đáp ứng được yêu cầu về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm theo quy định của nước nhập khẩu mới vào được nước đó. Đây là con đường nhanh nhất để nông sản Việt có thể tiếp cận với các thị trường khó tính. Đến nay, trên cả nước đã cấp được hơn 2.000 mã số vùng trồng và hơn 1.700 mã số cơ sở đóng gói cho các loại cây trồng khác nhau.


Đẩy mạnh cấp mã số vùng trồng

 

Các tổ chức, cá nhân có nhu cầu cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói có thể đăng ký và nộp hồ sơ xin cấp mã số tại Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh. Sau khi nhận hồ sơ, cơ quan chuyên môn sẽ tiến hành kiểm tra thực tế, trong trường hợp đạt yêu cầu sẽ trình lên Bộ NN-PTNT xem xét cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói.

Để xuất khẩu nông sản chính ngạch, nhiều nước trên thế giới đã yêu cầu loại nông sản đó phải truy xuất được tới vùng trồng. Chính vì vậy, việc xây dựng mã số vùng trồng không chỉ là thủ tục nhằm đạt được yêu cầu từ phía nhập khẩu mà còn gắn trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân sản xuất nông sản phải bảo đảm an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật.


Cuối tháng 5, Cục Bảo vệ thực vật đã có văn bản đề nghị Sở NN-PTNT đẩy mạnh việc kiểm tra, giám sát vùng trồng, cơ sở đóng gói để cấp mã số phục vụ xuất khẩu; giao Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh thực hiện giám sát, quản lý số liệu về 17 mã số vùng trồng và 1 cơ sở đóng gói trên địa bàn tỉnh. Các mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói sẽ bị thu hồi nếu không thực hiện giám sát định kỳ theo quy định. Cục Bảo vệ thực vật cũng đề nghị sở chủ động chỉ đạo xây dựng cơ sở dữ liệu về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói tại địa phương và tập huấn cho cán bộ kỹ thuật, người sản xuất, doanh nghiệp về nội dung này.


Theo lãnh đạo Sở NN-PTNT, ngày 9-6, sở đã có văn bản đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân, hộ nông dân đăng ký mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói cho nông sản (các loại trái cây, rau quả tươi…) trên địa bàn để thực hiện chuỗi liên kết bền vững giữa doanh nghiệp và nhà sản xuất nhằm phục vụ nhu cầu thị trường tiêu thụ trong nước cũng như xuất khẩu.


Hồng Đăng


 

Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp