Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ info@tintuckhanhhoa.com, cảm ơn !

Khai thác thủy sản xa bờ: Sẽ thí điểm ghi nhật ký điện tử

Thứ hai - 12/08/2019 13:25
Hiện nay, 100% tàu cá xa bờ của tỉnh đã thực hiện quy định về việc ghi, nộp nhật ký khai thác thủy sản. Tuy nhiên, việc ghi chép nhật ký giấy còn một số khó khăn, bất cập. Để hỗ trợ ngư dân, sắp tới, Tổng cục Thủy sản sẽ triển khai thí điểm công nghệ truy xuất nguồn gốc, ghi nhật ký khai thác điện tử. Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Khai thác thủy sản xa bờ: Sẽ thí điểm ghi nhật ký điện tử

Hiện nay, 100% tàu cá xa bờ của tỉnh Khánh Hòa đã thực hiện quy định về việc ghi, nộp nhật ký khai thác thủy sản. Tuy nhiên, việc ghi chép nhật ký giấy còn một số khó khăn, bất cập. Để hỗ trợ ngư dân, sắp tới, Tổng cục Thủy sản sẽ triển khai thí điểm công nghệ truy xuất nguồn gốc, ghi nhật ký khai thác điện tử.


Thay đổi nhận thức


Thông tư 21 năm 2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định, một sản phẩm thủy sản khai thác mang tính hợp pháp phải đáp ứng các điều kiện như: ngư dân phải tiến hành ghi, nộp báo cáo nhật ký khai thác thủy sản; công bố cảng cá chỉ định xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác; xác nhận nguyên liệu, nguồn gốc thủy sản khai thác… Từ khi thông tư có hiệu lực ngày 1-1-2019, ngành Thủy sản tỉnh đã tập trung tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân chấp hành các quy định. Nhiều ngư dân đã nhận thức được tầm quan trọng của việc ghi, nộp nhật ký khai thác thủy sản, nhất là trong bối cảnh Ủy ban châu Âu rút “thẻ vàng” cảnh báo đối với thủy sản xuất khẩu từ Việt Nam.

 

Ghi nhật ký khai thác là quy định bắt buộc đối với tàu khai thác xa bờ.

Ghi nhật ký khai thác là quy định bắt buộc đối với tàu khai thác xa bờ.


Theo ngư dân Trần Hữu Thành (Hòn Rớ, TP. Nha Trang), ghi nhật ký khai thác thủy sản là quy định bắt buộc. Ngoài ra, các doanh nghiệp thu mua cũng yêu cầu ngư dân có nhật ký khai thác cho từng chuyến biển để thuận lợi cho việc truy xuất nguồn gốc. Ngoài thông tin chung về nghề đánh bắt chính, số tàu, công suất máy chính, thuyền viên, ngư cụ, ngư dân còn ghi rõ: nơi xuất bến, nơi về bến; tọa độ nơi tàu hoạt động; địa điểm thả lưới, thu lưới, thời gian thả lưới, tổng số mẻ lưới trong chuyến biển…


Ông Nguyễn Trọng Chánh - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết, để triển khai Luật Thủy sản năm 2017 và các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định, từ năm 2018 đến nay, Chi cục Thủy sản đã tổ chức 69 đợt tuyên truyền đến 5.000 lượt chủ tàu, thuyền trưởng các văn bản, hướng dẫn liên quan đến hoạt động khai thác thủy sản. Một trong những nội dung được ngành chú trọng là hướng dẫn ngư dân ghi, nộp nhật ký khai thác. Qua tuyên truyền và kết quả kiểm tra thực tế cho thấy, nhận thức của ngư dân đã thay đổi, 768 tàu cá khai thác xa bờ đều chấp hành việc ghi, nộp nhật ký khai thác. 7 tháng năm 2019, các văn phòng đại diện thanh tra, kiểm soát nghề cá trên địa bàn tỉnh đã xác nhận cho 6.666 lượt tàu ra, vào cảng, với tổng sản lượng thủy sản hơn 14.180 tấn.


Kết quả kiểm tra của đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mới đây cũng đã chỉ ra, việc ghi, nộp nhật ký khai thác thủy sản là cơ sở đầu tiên và hết sức quan trọng trong việc xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác hợp pháp của ngư dân. Đây cũng là nội dung quan trọng mà Ủy ban châu Âu rất quan tâm trong việc đánh giá những nỗ lực của Việt Nam về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Qua kiểm tra, ngư dân Khánh Hòa chấp hành khá tốt việc ghi, nộp nhật ký khai thác. Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề cần lưu ý như: ngư dân cần phải ghi nhật ký chính xác theo biểu mẫu, đúng diễn biến trong chuyến biển; trước khi cập cảng cần thông báo cho cơ quan quản lý trước 1 giờ; hoàn tất việc nộp nhật ký khai thác trong vòng 24 giờ sau bốc dỡ hàng hóa qua cảng…

 
Sẽ thí điểm nhật ký điện tử


Tuy đã chấp hành việc ghi nhật ký khai thác, nhưng từ thực tế khai thác trên biển, nhiều tàu cá vẫn gặp khó khăn như: vẫn còn sai sót, chưa ghi đầy đủ các nội dung quy định; trên biển, các tàu cá phải tận dụng thời gian để buông từng mẻ lưới, khó có thể ghi chép được cụ thể từng nội dung quy định trong nhật ký khai thác; việc bảo quản nhật ký bằng giấy cũng không tránh khỏi hư hỏng, mất mát… Điều này khiến việc kiểm soát nguồn gốc thủy sản gặp khó khăn, doanh nghiệp gặp trở ngại trong việc xác nhận lô hàng xuất khẩu.


Mới đây, Tổng cục Thủy sản đã phối hợp với Cơ quan quản lý nghề cá Đông Nam Á giới thiệu đến cộng đồng ngư dân Khánh Hòa công nghệ truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử, ghi nhật ký khai thác điện tử. Theo đó, để ghi nhật ký khai thác, một thiết bị điện tử sẽ được lắp đặt trên tàu cá, chỉ vài thao tác đơn giản để ngư dân nhập số liệu về chủng loại, trọng lượng, khu vực khai thác…; tất cả thông tin sẽ được chuyển về trạm bờ để lưu trữ xác nhận. Theo ông Vũ Duyên Hải - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Hợp tác quốc tế (Tổng cục Thủy sản), tới đây, Tổng cục Thủy sản sẽ triển khai thí điểm công nghệ truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử tại các tỉnh miền Trung, trong đó có Khánh Hòa. Việc áp dụng công nghệ này sẽ giúp ngư dân thuận lợi trong ghi nhật ký, cơ quan quản lý dễ dàng truy xuất nguồn gốc. Hiện nay, nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á cũng đã áp dụng nhật ký khai thác điện tử và cho thấy hiệu quả.


Ông Nguyễn Trọng Chánh cho biết, trong khi chờ Tổng cục Thủy sản triển khai thí điểm công nghệ ghi nhật ký khai thác, truy xuất nguồn gốc điện tử, Chi cục Thủy sản sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan hữu quan, địa phương tiến hành tuyên truyền, hướng dẫn cụ thể đến ngư dân việc ghi, nộp nhật ký khai thác bằng giấy đúng quy định của Thông tư 21.


HẢI LĂNG
 

Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp