Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ info@tintuckhanhhoa.com, cảm ơn !

Đề xuất phát triển du lịch ở Hòn Bà

Thứ năm - 30/07/2020 12:50
Hòn Bà có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch. Tuy nhiên, diện tích dành cho du lịch sinh thái nơi đây quá nhỏ hẹp, chưa thu hút được các nhà đầu tư. Vì vậy, UBND tỉnh Khánh Hòa đã đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép thay đổi diện tích các phân khu chức năng của khu bảo tồn để phát triển du lịch sinh thái.   Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Đề xuất phát triển du lịch ở Hòn Bà

Hòn Bà có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch. Tuy nhiên, diện tích dành cho du lịch sinh thái nơi đây quá nhỏ hẹp, chưa thu hút được các nhà đầu tư. Vì vậy, UBND tỉnh Khánh Hòa đã đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) cho phép thay đổi diện tích các phân khu chức năng của khu bảo tồn để phát triển du lịch sinh thái.


Đề xuất thay đổi diện tích


Khu Bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà nằm trên địa phận 4 địa phương gồm: Cam Lâm, Diên Khánh, Khánh Sơn và Khánh Vĩnh. Khu bảo tồn có tổng diện tích tự nhiên gần 19.300ha rừng đặc dụng, được chia thành 3 phân khu chức năng gồm: Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt rộng gần 9.520ha; phân khu phục hồi sinh thái hơn 9.550ha và phân khu dịch vụ hành chính rộng khoảng 213ha.

 

Nhà làm việc của cố bác sĩ Yersin trên đỉnh Hòn Bà.

Nhà làm việc của cố bác sĩ Yersin trên đỉnh Hòn Bà.


Trong phân khu dịch vụ hành chính có khoảng 3ha dùng để xây dựng các công trình phục vụ hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí... Tuy nhiên, đây là phần diện tích quá ít để có thể phát triển du lịch sinh thái nên chưa thu hút được các nhà đầu tư. Vì vậy, tại buổi làm việc giữa tỉnh Khánh Hòa với Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường mới đây, ông Nguyễn Khắc Định - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đã kiến nghị Bộ NN-PTNT cho phép điều chỉnh diện tích các phân khu chức năng của Khu Bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà để có đủ quỹ đất xây dựng các công trình phục vụ du lịch, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong quá trình triển khai các hoạt động du lịch sinh thái phù hợp với quy hoạch ngành du lịch, đảm bảo đúng quy định của pháp luật, không làm tổn hại sinh thái rừng. Cụ thể, UBND tỉnh đề xuất cho phép thay đổi phân khu bảo vệ nghiêm ngặt sẽ là 9.130ha; phân khu phục hồi sinh thái 8.269ha và phân khu dịch vụ hành chính sẽ được nâng lên thành 1.886ha (số tròn).


Theo Bí thư Tỉnh ủy, việc mở rộng phân khu dịch vụ hành chính cũng nhằm thu hút, huy động nguồn lực đầu tư cho công tác bảo vệ, phát triển rừng; tạo nguồn thu ổn định để đầu tư lại cho công tác bảo vệ rừng và chủ trương tự chủ của các ban quản lý rừng theo chỉ đạo của Bộ NN-PTNT tại Chỉ thị 1788 ngày 10-3-2020 về nhiệm vụ, giải pháp trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và cho thuê môi trường rừng đặc dụng, phòng hộ.


Định hướng du lịch sinh thái


Năm 2002, tỉnh đã đầu tư đường giao thông từ Quốc lộ 1 lên đỉnh Hòn Bà với chiều dài hơn 36km để phục vụ du lịch. Trên đỉnh Hòn Bà cao gần 1.600m so với mực nước biển, có khí hậu trong lành, mát mẻ, nơi đây còn có dấu tích lịch sử của bác sĩ Yersin. Tại Thông báo kết luận của Thường trực Tỉnh ủy sau buổi làm việc với Sở Du lịch hồi tháng 2-2020 về phương hướng nhiệm vụ năm 2020, tỉnh cũng đã có chủ trương đề xuất đưa Khu du lịch Hòn Bà vào danh mục Khu du lịch quốc gia. Thời gian qua, tỉnh đã tiếp nhận đề xuất của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước mong muốn được đầu tư công trình du lịch tầm cỡ quốc gia ở Hòn Bà.

 

Đỉnh Hòn Bà nhìn từ trên cao.

Đỉnh Hòn Bà nhìn từ trên cao.


Theo Sở NN-PTNT, Nghị định 156 ngày 16-11-2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Lâm nghiệp đã quy định rõ về quản lý xây dựng công trình phục vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng. Theo đó, các công trình xây dựng phục vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí phải bảo đảm không làm ảnh hưởng đến đa dạng sinh học và cảnh quan tự nhiên của khu rừng. Luật cũng cho phép hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trong phân khu dịch vụ hành chính, nhưng phải bảo đảm các yêu cầu khắt khe như: Không ảnh hưởng đến mục tiêu bảo tồn, không phá vỡ cảnh quan môi trường, không chặt phá rừng, các công trình xây dựng phải dựa vào thiên nhiên, hài hòa với cảnh quan môi trường, chiều cao tối đa của công trình không quá 12m; chỉ được xây dựng các công trình ở những nơi đất trống, trảng cỏ, đất có cây bụi không có khả năng tự phục hồi…


Trước đề xuất của Khánh Hòa về việc thay đổi diện tích các phân khu chức năng của Khu Bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã đồng ý về mặt chủ trương, đồng thời giao các cơ quan chuyên môn của bộ phối hợp với tỉnh tổ chức khảo sát, nghiên cứu, đề xuất hướng điều chỉnh trong thời gian tới.


Hồng Đăng




 


 

Khu Bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà được khám phá và nổi tiếng qua các công trình của bác sĩ Alexandre Yersin. Khu bảo tồn được thành lập năm 2005, với nhiệm vụ bảo vệ một số mẫu điển hình của hệ sinh thái rừng nhiệt đới và á nhiệt đới, nguồn gen động thực vật quý hiếm; phòng hộ đầu nguồn, bảo vệ và duy trì nguồn nước cho hồ Suối Dầu; góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, điều tiết khí hậu phục vụ nghiên cứu khoa học về rừng, tạo nên một khu du lịch sinh thái hoàn chỉnh khép kín với du lịch biển TP. Nha Trang.

 




 

Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp